Lực lượng QLTT kiểm tra hàng hóa vi phạm
Thủ đoạn tinh vi
Trong 6 tháng đầu năm, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại (GLTM) và hàng giả trên địa bàn Lạng Sơn diễn biến phức tạp theo thời vụ ở một số khu vực biên giới.
Hàng lậu chủ yếu là may mặc, đồ gia dụng, điện tử, mỹ phẩm, thực phẩm công nghệ, gia cầm giống và các sản phẩm từ gia súc, gia cầm. Trong đó có nhiều loại sản phẩm giả mạo nhãn hiệu, giả nguồn gốc, xuất xứ của những thương hiệu nổi tiếng như, Nike, Adidas, Louivuiton, Lacoste, Guici, Versace; các nhóm mặt hàng mỹ phẩm của tập đoàn Unilever (vỏ bột giặt Omo, dầu gội đầu Dove, Clear, Sunsilk); nhóm mặt hàng thực phẩm có bao bì hạt nêm Knorr, bột ngọt Saji, Ajinomoto; nhóm mặt hàng gia dụng nhãn hiệu Samsung, Panasonic, Philips...
Phương thức, thủ đoạn, địa bàn hoạt động vẫn là mang vác nhỏ lẻ hàng hóa qua một số đường mòn biên giới khu vực xã Tân Mỹ, Tân Thanh (Văn Lãng); thị trấn Đồng Đăng, xã Thanh Hòa (Cao Lộc); xã Yên Khoái, Tú Mịch, Tam Gia (Lộc Bình)... sau đó viết hóa đơn bán hàng, vận chuyển trên các loại xe ô tô theo quốc lộ 1A, 1B vào sâu trong nội địa.
Các chủ hàng ở các tỉnh, thành phố trực tiếp đặt hàng từ Trung Quốc sau đó giao khoán cho các đối tượng vận chuyển qua các đường mòn, đường tránh trên biên giới, khi vào sâu trong nội địa thì viết hóa đơn bán hàng để hợp thức hóa hàng lậu.
Đặc biệt, các đối tượng đã lợi dụng ứng dụng công nghệ như: Facebook, Zalo, Youtube, Twitte... để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu; đặt in, dán nhãn phụ tiếng Việt vào hàng hóa ngay từ bên kia biên giới để nhập lậu các loại mỹ phẩm, dụng cụ gia đình. Các mặt hàng may mặc sẵn và một số mặt hàng tiêu dùng thì nhập lậu nhãn hiệu, nhãn hàng hóa, bao bì và hàng hóa tách rời nhau để đối phó với lực lượng chức năng khi vận chuyển, khi tiêu thụ thì dán, gắn nhãn hiệu giả mạo.
Bên cạnh đó, tình trạng nhập lậu ma túy tổng hợp, pháo nổ, tiền Việt Nam giả, vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ từ bên kia biên giới vào nội địa và vận chuyển heroin từ địa phương khác qua địa bàn luôn tiềm ẩn phức tạp, tinh vi, manh động.
Chủ động đấu tranh
Trước tình hình đó, Chi cục QLTT Lạng Sơn đã triển khai đồng loạt các biện pháp - kiểm tra, kiểm soát đấu tranh chống buôn lậu.
Trên địa bàn biên giới, tăng cường phối hợp với lực lượng hải quan, bộ đội biên phòng, cơ quan kiểm dịch để kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu giữa khu vực nội địa với khu vực biên giới; mật phục, lập lán trực chốt chặn tại những địa bàn trọng điểm.
Trong nội địa, phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với các phòng chuyên môn như công an tỉnh và công an các huyện, thành phố kiểm tra, chống buôn lậu trong khâu lưu thông và các điểm phức tạp về hàng hóa vi phạm. Phối hợp điều tra, xử lý nhiều vụ buôn lậu, kinh doanh hàng giả có giá trị hàng hóa lớn nhằm tạo sức mạnh tổng hợp giữa các lực lượng chức năng.
Chi cục xây dựng, thực hiện quy chế phối hợp với phòng NN&PTNT, phòng y tế, phòng kinh tế và hạ tầng và một số cơ quan khác ở cấp huyện để kiểm tra, kiểm soát thị trường về ATTP, vật tư nông nghiệp và các ngành hàng hóa kinh doanh có điều kiện; phối hợp chặt chẽ với chính quyền cấp xã, thôn, bản trong việc triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và cung cấp thông tin trong kiểm tra, kiểm soát thị trường.
Lạng Sơn có trên 231 km đường biên giới quốc gia trên đất liền với Trung Quốc, với địa hình phức tạp, nhiều đường mòn, lối tắt qua biên giới, cùng với hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt nối liền các tỉnh, thành nội địa rất thuận lợi nên các đối tượng đã lợi dụng, có nhiều thủ đoạn tinh vi để đối phó việc kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng để đưa hàng lậu từ bên kia biên giới vào nội địa tiêu thụ.
Nhằm đấu tranh chống buôn lậu, GLTM và hàng giả, đơn vị đã chủ động tham mưu cho BCĐ 389/Lạng Sơn những giải pháp đồng bộ để kiểm tra, kiểm soát thị trường hàng hóa.
Mặt khác, tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, kiểm soát tại một số địa bàn trọng điểm; đấu tranh, xử lý các đối tượng lợi dụng hóa đơn bán hàng để hợp thức hóa hàng lậu vào nội địa; kiểm soát tình hình chặt chẽ ngay từ cơ sở, không để hình thành điểm nóng về buôn lậu, kinh doanh hàng cấm..., Qua đó đã thu được nhiều kết quả tích cực, bảo đảm ổn định thị trường hàng hóa, tạo niềm tin cho người dân và DN.
Nguyễn Kiên