Sáng 4/11, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về Đánh kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025. 

Toàn cảnh phiên thảo luận. Ảnh quochoi.vn.
Toàn cảnh phiên thảo luận. Ảnh quochoi.vn.

Quan tâm đến các sản phẩm mang thương hiệu Việt

Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, đại biểu Trần Hoàng Ngân, Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, trong năm 2024, Việt Nam tiếp tục duy trì ổn định kinh tế-xã hội, lạm phát được kiểm soát... Để hoàn thành các mục tiêu của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, theo đại biểu Trần Hoàng Ngân cần quan tâm đến các sản phẩm nông sản, thủy sản, công nghệ số mang thương hiệu Việt Nam; tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ...

Việc Quốc hội chuẩn bị thông qua các dự án luật, nghị quyết tại Kỳ họp này là một trong những biện pháp quan trọng để cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế để giúp các doanh nghiệp Việt Nam có điều kiện huy động được các nguồn lực xã hội cho phát triển kinh tế.

Ngoài ra, theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, tiêu dùng nội địa tuy có sự phục hồi mạnh, trong 9 tháng tăng trưởng 8,8% nhưng vẫn còn thấp so với trước dịch COVID-19. Do đó, cần phải có chính sách hỗ trợ cho tiêu dùng, nhất là giảm thuế cũng như khuyến khích người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Bên cạnh đó là quan tâm đến việc điều chỉnh lương hưu, trợ cấp xã hội, bảo hiểm và trợ cấp ưu đãi người có công trong năm 2025... 

Ảnh quochoi.vn.
Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân cần quan tâm đến các sản phẩm nông sản, thủy sản, công nghệ số mang thương hiệu Việt Nam. Ảnh quochoi.vn.

Chế tài lãng phí đã ban hành nhưng tính răn đe chưa cao

Nhất trí với báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kinh tế - xã hội năm 2024 và dự kiến năm 2025 với nhiều thành tựu nổi bật, đại biểu Mai Thị Phương Hoa, Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định nhận thấy, công tác chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ đã bám sát thực tiễn, điều hành quyết liệt, linh hoạt, có định hướng giải quyết rõ ràng, chỉ rõ trách nhiệm từng cơ quan, tổ chức, cá nhân đã giúp cho công tác này đạt hiệu quả, phát triển kết cấu hạ tầng có đột phá rõ rệt. 

“Tổng chiều dài đường bộ cao tốc của cả nước đến nay là hơn 2000 km; rút ngắn thời gian hoàn thành Cảng hàng không quốc tế Long Thành, sắp trình Quốc hội chủ trương đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam; chuyển đổi số trong đó có Đề án 06 đã giúp giảm các thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp, hạn chế tiêu cực, nhũng nhiễu…”, đại biểu nêu rõ. 

Bên cạnh đó về mặt hạn chế, đại biểu Mai Thị Phương Hoa cơ bản đồng tình với các hạn chế đã nêu trong Báo cáo của Chính phủ, trong đó đại biểu quan tâm đến việc chống lãng phí trong bộ máy công quyền. 

Đại biểu nhấn mạnh, bài viết của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về chống lãng phí đã đánh giá đúng thực trạng, chỉ ra nguyên nhân và đưa ra nhiều giải pháp. Đây là một thông điệp mạnh mẽ, sâu sắc, khuyến khích mọi người dân, đặc biệt là cán bộ trong bộ máy công quyền cần xem xét lại cách thức sử dụng và quản lý các nguồn lực trong xã hội. Bài viết đã đánh giá, lãng phí còn diễn ra khá phổ biến dưới nhiều dạng thức khác nhau, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho phát triển.

Ảnh quochoi.vn.
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa. Ảnh quochoi.vn.

Theo đại biểu Mai Thị Phương Hoa, tình trạng này có những nguyên nhân chủ yếu sau: (1) Còn có một bộ phận cán bộ có tâm lý coi nhẹ việc chống lãng phí ngay trong hoạt động quản lý. Lâu nay họ chỉ coi lãng phí hành vi cần khắc phục nhưng chưa đến mức nghiêm trọng, chưa coi lãng phí là hành vi nguy hiểm cho xã hội; (2) Có một số cán bộ còn quan niệm lãng phí chỉ là việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước không hiệu quả nhưng trên thực tế có lãng phí về cơ hội và thời gian; (3) Bệnh thành tích, tư duy nhiệm kỳ, tư duy chủ quan của một số cán bộ muốn thực hiện những dự án ở địa phương, bộ, ngành mình vào trong nhiệm kỳ mình làm lãnh đạo để chứng tỏ năng lực, sự năng động nhưng do cách làm cán bộ, sự tính toán chủ quan, sự không tuân thủ đầy đủ các quy trình phụ thuộc nên một số dự án mới đem lại hiệu quả không mong muốn; (4) Chế tài xử lý lãng phí đã ban hành nhưng tính răn đe chưa cao…

Cần có biện pháp ngăn chặn hiệu quả các vụ lừa đảo và đánh cắp thông tin cá nhân trên mạng xã hội

Đánh giá cao kết quả kinh tế - xã hội trong 9 tháng năm 2024, đại biểu Trần Quốc Tuấn, Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh khẳng định, với sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ đã điều hành linh hoạt, đạt nhiều thành tựu nổi bật về kinh tế - xã hội. Kinh tế tăng trưởng ổn định, khả quan bất chấp thách thức toàn cầu, xuất khẩu mạnh mẽ, đầu tư nước ngoài tích cực, khẳng định vị thế Việt Nam là điểm đến an toàn, hấp dẫn. Lạm phát trong tầm kiểm soát, kinh tế vĩ mô ổn định…

Đại biểu Trần Quốc Tuấn đồng tình với 11 nhóm giải pháp Chính phủ đề ra trong báo cáo, trong đó đại biểu kiến nghị đến Quốc hội, Chính phủ cần tập trung chỉ đạo giải quyết căn cơ xử lý ngăn chặn các vụ lừa đảo và đánh cắp thông tin cá nhân trên mạng xã hội.

Với sự gia tăng sử dụng các nền tảng mạng xã hội hiện nay, đại biểu nhận thấy, nhiều trường hợp bị lừa đảo đã xảy ra; đặc biệt là quyền riêng tư của người dùng dễ bị xâm phạm, thông tin cá nhân dễ bị lạm dụng và mua bán công khai trên mạng xã hội. Số liệu thống kê cho thấy, năm 2023 Việt Nam nằm trong số 10 điểm nóng tội phạm mạng hàng đầu thế giới. Bên cạnh đó, số thông tin cá nhân của người dùng bị đánh cắp trong 06 tháng đầu năm 2024 tăng 50% so với cùng kỳ 2023, gây ra nhiều hệ luỵ cho xã hội. Từ thực trạng trên, đại biểu Trần Quốc Tuấn kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm tập trung chỉ đạo có biện pháp chủ động phòng ngừa hiệu quả và xử lý kịp thời những vụ án khi phát hiện.

Cùng với đó, đại biểu đề nghị cần có biện pháp giải quyết, xử lý dứt điểm những vụ việc phát sinh tiêu cực tại các trường học, lớp học hiện nay, trong đó có khá nhiều trường hợp học sinh hút thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

Các đại biểu tại phiên thảo luận sáng 4/11. Ảnh quochoi.vn.
Các đại biểu tại phiên thảo luận sáng 4/11. Ảnh quochoi.vn.

Ngoài những quy định cấm hút thuốc lá Chính phủ đã ban hành, đại biểu Trần Quốc Tuấn cho rằng, cần phải có sự phối hợp tuyên truyền giáo dục hiệu quả giữa nhà trường, gia đình và xã hội đi cùng với những biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn trong kiểm tra, giám sát, có chế tài xử phạt thật nặng những trường hợp vi phạm kinh doanh thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng.

Có giải pháp quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm khoáng sản

Quan tâm đến việc quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm khoáng sản, đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp phâ tích, Luật Địa chất, khoáng sản dự kiến được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 đã sửa đổi, bổ sung rất nhiều điểm bất cập về quản lý nhà nước, nhằm khai thác, bảo vệ và sử dụng có hiệu quả. Đại biểu khẳng định, khoáng sản là tài nguyên quý giá của đất nước, hầu hết không được tái tạo phát triển mà ngày càng cạn kiệt, đòi hỏi phải được quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, đóng góp tương xứng vào ngân sách Nhà nước, góp phần vào sự phát triển quan trọng của đất nước.

Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, nhiều nơi vẫn còn vấn đề cần phải nghiên cứu thấu đáo, vì khoáng sản là “miếng mồi ngon” mà những người biết cách sẽ khai thác triệt để, bất chấp hệ quả, miễn là có lợi cho họ. Nhiều khoáng sản quý giá nằm lẫn lộn trong đất đá nên tổ chức, cá nhân lợi dụng sơ hở của luật pháp trong quản lý để lách luật, khai thác hàng quý hiếm này chung với vật liệu thông thường để tiêu thụ, mà không bị phát hiện. Ngoài ra, việc khai thác khoáng sản quý trái phép diễn ra cục bộ ở một số nơi vẫn qua mắt được cơ quan chức năng. Mặt khác, việc kê khai số lượng quặng khoáng sản được thu hồi phụ thuộc vào tính tự giác của các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân, cơ quan quản lý nhà nước rất khó kiểm soát. Chưa kể đến các mỏ khoáng sản được cấp phép khai thác theo theo cơ chế xin – cho, cũng làm thất thu ngân sách Nhà nước.

Đại biểu lo ngại tại những địa phương vùng cao, có những khoáng sản đi kèm như đất, đá, xỉ than lẫn lộn với khoáng sản quý vẫn chưa được sử dụng khai thác, bị thải bỏ gây ra lãng phí, có nơi chất thành đống cao, nguy cơ sạt lở, ô nhiễm môi trường đe dọa đến tính mạng và sức khỏe của người dân, trong khi đó đất đá để xây lắp cho các công trình không đủ để sử dụng.

Một vấn đề nữa, được đại biểu đề cập đó là hạ tầng giao thông đã được Quốc hội thông qua và từng bước triển khai nhưng việc triển khai ở các địa phương gặp khó. Áp lực sử dụng các sỏi thông thường để san lấp, khả năng thiếu vật liệu là rất lớn, sẽ ảnh hưởng đến tiến độ thi công của các dự án, công trình nhưng có điều nghịch lý là khối lượng đất đá thải ra từ các mỏ lại chưa sử dụng do chưa nghiên cứu để sử dụng cho công trình.

Đại biểu đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành có giải pháp cần thiết để sử dụng đất đá thải ra từ các mỏ khoáng sản, xỉ than, từ các nhà máy nhiệt điện, nhà máy điện để sử dụng thay thế cho các sông làm vật liệu thông thường. Cát biển cũng cần nghiên cứu kỹ lưỡng, có đánh giá tác động để khi sử dụng không ảnh hưởng đến môi trường; nghiên cứu xây dựng cầu cảng trên vùng đất yếu, vùng trũng, đồng bằng sông Cửu Long cần nhanh chóng thực hiện thí điểm.

PV (lược ghi)