Chiều ngày 7/10, Ban Chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã tổ chức một cuộc họp để thảo luận các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
Tham dự và chỉ đạo cuộc họp có ông Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh; ông Phan Phong Phú, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh.
Theo kết quả rà soát, tổng hợp của Sở Xây dựng, tính đến tháng 8/2024, toàn tỉnh có hơn 3.640 hộ nghèo, hộ cận nghèo khó khăn về nhà ở, trong đó có 1.440 hộ cần hỗ trợ cải tạo, sửa chữa và 2.200 hộ cần hỗ trợ xây mới nhà ở.
Theo kế hoạch của tỉnh, tổng kinh phí dự kiến để thực hiện việc cải tạo, sửa chữa và xây mới nhà ở cho các hộ này là hơn 292 tỷ đồng, được huy động từ ngân sách Nhà nước, các nguồn xã hội hóa và sự đóng góp từ các đối tượng thụ hưởng. Tỉnh Quảng Bình đặt mục tiêu hoàn thành chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ nghèo và cận nghèo vào năm 2025.
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng nhấn mạnh rằng, việc xóa bỏ nhà tạm bợ, dột nát không chỉ là trách nhiệm mà còn là biểu hiện của sự quan tâm kịp thời từ phía Đảng và Nhà nước đối với đời sống của người dân, góp phần vào chính sách an sinh xã hội.
Ông yêu cầu Ban Chỉ đạo khẩn trương hoàn thiện Đề án để báo cáo Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh trình Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến chỉ đạo và trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, các cơ quan liên quan cần thống kê chính xác các hộ dân được hưởng lợi từ chương trình, phân loại rõ các hộ cần xây mới hay sửa chữa, và xem xét kỹ lưỡng nguồn kinh phí hỗ trợ, bao gồm cả các hộ nghèo, cận nghèo không có đất ở.
Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo cũng đã thảo luận về việc mở rộng đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ, cũng như quy mô sửa chữa và xây dựng mới nhà ở.
Trưởng ban Chỉ đạo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Phong Phú, kết luận tại cuộc họp rằng, việc triển khai chương trình này cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành, địa phương và cần nguyên cứu giải pháp, bố trí nguồn vốn cụ thể nhằm thực hiện hiệu quả cao nhất.
Lê Quyết