
Hội nghị diễn ra vào chiều 16/5 do Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phong chủ trì, với sự tham dự của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đoàn Ngọc Lâm, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Trần Tiến Sỹ, cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành và đông đảo hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu mở đầu hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phong nhấn mạnh: Kinh tế trang trại giữ vai trò then chốt trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Trong những năm gần đây, Quảng Bình đã ghi nhận nhiều mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, phát triển nông nghiệp hữu cơ và tuần hoàn, hình thành bước đầu các chuỗi liên kết giá trị hiệu quả.
Tuy nhiên, ông cũng thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế nổi cộm như: quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, liên kết chưa bền vững, sản phẩm chủ yếu là nguyên liệu thô, ít giá trị gia tăng; công nghệ còn hạn chế và cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ. Ngoài ra, biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường từ hoạt động chăn nuôi cũng đang tạo ra nhiều thách thức.
Hiện toàn tỉnh có 342 trang trại đạt tiêu chuẩn theo Thông tư 02/2020/TT-BNNPTNT, trong đó chủ yếu là các trang trại tổng hợp, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Mỗi năm, khối kinh tế trang trại đóng góp khoảng 775 tỷ đồng, chiếm 7,5% tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản của tỉnh. Trung bình mỗi trang trại đạt doanh thu 2,3 tỷ đồng, sử dụng hơn 1.000 lao động thường xuyên.
Tuy nhiên, tỷ lệ ứng dụng công nghệ cao trong trang trại còn khiêm tốn, chỉ đạt khoảng 14,9%. Toàn tỉnh mới có 4 trang trại sử dụng điện mặt trời. Khó khăn về vốn, thị trường tiêu thụ, hạ tầng sản xuất và xử lý chất thải vẫn đang là rào cản lớn đối với phát triển trang trại bền vững.
Trong năm 2024, tỉnh đã phân bổ hơn 1,6 tỷ đồng hỗ trợ cho 33 trang trại thông qua các chương trình khuyến nông, xây dựng nông thôn mới, tín dụng ưu đãi và đào tạo nghề. Một số địa phương như Lệ Thủy, Quảng Trạch, Tuyên Hóa có mức hỗ trợ tương đối cao, dao động từ 85 đến 650 triệu đồng/trang trại.
Tại hội nghị, nhiều hội viên nông dân đã thẳng thắn nêu các vấn đề như: chính sách liên kết tiêu thụ nông sản chưa rõ ràng; hợp tác xã mới thành lập thiếu điều kiện hoạt động hiệu quả; khó tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi; xử lý chất thải rắn trong chăn nuôi chưa triệt để; phát triển nông nghiệp hữu cơ còn nhiều rào cản...
Ghi nhận các kiến nghị từ cơ sở, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành liên quan phải giải đáp rõ ràng, đúng trọng tâm, không né tránh trách nhiệm. Những vấn đề nóng như đất đai, tín dụng, hạ tầng, công nghệ cần được ưu tiên giải quyết dứt điểm để tháo gỡ khó khăn cho nông dân.
Về định hướng sắp tới, tỉnh Quảng Bình sẽ tập trung quy hoạch lại vùng sản xuất hợp lý; đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật; thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao; xây dựng thương hiệu nông sản đặc trưng và tăng cường hỗ trợ tiếp cận vốn cho chủ trang trại. Đồng thời, địa phương cũng sẽ chú trọng nâng cao năng lực quản trị trang trại, phát triển các chuỗi liên kết và định hướng chuyển đổi tư duy sản xuất từ manh mún sang bài bản, từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị các cấp Hội Nông dân tiếp tục đồng hành cùng hội viên, tích cực vận động, tuyên truyền và tạo điều kiện để nông dân phản ánh thực tế, đóng góp ý tưởng, từ đó giúp chính quyền xây dựng chính sách sát thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển một nền nông nghiệp hiện đại, hiệu quả và bền vững hơn trong tương lai.
Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh và nông dân không chỉ là dịp để lắng nghe, tháo gỡ khó khăn mà còn là bước khẳng định cam kết mạnh mẽ của Quảng Bình trong việc đồng hành cùng nông dân phát triển kinh tế trang trại một cách bài bản, hiện đại và bền vững.
Với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền, sự chủ động của các sở, ngành và tinh thần đổi mới từ người nông dân, kinh tế trang trại Quảng Bình được kỳ vọng sẽ bứt phá mạnh mẽ, trở thành trụ cột quan trọng trong quá trình xây dựng nền nông nghiệp giá trị cao và thích ứng tốt với những thách thức mới.
Lê Quyết