Năm 2022, Quảng Bình dự kiến chi khoảng 4.400 tỷ đồng cho đầu tư công
Năm 2022, Quảng Bình dự kiến chi khoảng 4.400 tỷ đồng cho đầu tư công.

Để đảm bảo việc giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2022 đúng tiến độ, chất lượng, ngày 09/02/2022, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 159/UBND-TH. Năm 2022, vốn đầu tư công ở Quảng Bình dự kiến khoảng 4.400 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn do tỉnh quản lý 2.728 tỷ đồng.

Theo đó, UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các chủ đầu tư tiếp tục xác định đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết, là một trong 03 trọng tâm cần tập trung thực hiện để thúc đẩy quá trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, chủ đầu tư nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy vai trò của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra. Khẩn trương rà soát, xử lý ngay khó khăn vướng, mắc phát sinh của từng dự án, nhất là dự án trọng điểm, có tính chất liên vùng. Cá thể hóa trách nhiệm đến từng cá nhân. Coi kết quả giải ngân là một trong những căn cứ quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ. Chịu trách nhiệm toàn diện trước Tỉnh ủy, UBND tỉnh về việc tổ chức thực hiện và kết quả giải ngân của đơn vị, địa phương mình.

Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, chủ đầu tư lập kế hoạch tiến độ và cam kết giải ngân cụ thể cho từng dự án theo từng tháng. Trong đó, yêu cầu đến ngày 30/06/2022 tỷ lệ giải ngân đạt tối thiểu 50%, đến ngày 30/09/2022 tối thiểu 70% và đến ngày 31/01/2023 giải ngân đạt tỷ lệ 100% kế hoạch vốn được giao.

UBND tỉnh cũng yêu cầu Kho bạc Nhà nước tỉnh, huyện đảm bảo nguồn vốn thanh toán cho các dự án, rút ngắn thời gian kiểm soát chi, thanh toán cho dự án có đủ điều kiện. Phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư kịp thời xử lý vướng mắc phát sinh. Ngay sau khi nhận được hồ sơ đề nghị thẩm định thiết kế bản vẽ thi công và dự toán, các sở chuyên ngành như Giao thông vận tải, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…

Các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày có khối lượng được nghiệm thu, làm thủ tục thanh toán ngay với Kho bạc Nhà nước, không dồn vốn vào cuối năm mới thanh toán. Thực hiện thủ tục trình phê duyệt quyết toán, giải ngân hết số vốn cho các nhà thầu theo nội dung hợp đồng đối với dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng.

Ngoài ra, Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn, phối hợp với các chủ đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn, trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo UBND tỉnh để được xem xét, giải quyết. Căn cứ tình hình thực tế, rà soát, tham mưu việc điều chỉnh kế hoạch vốn linh hoạt, kịp thời từ dự án giải ngân chậm sang các dự án có nhu cầu vốn và khả năng giải ngân tốt theo quy định. Xử lý trách nhiệm đối với các chủ đầu tư giải ngân chậm, không đạt kế hoạch đề ra.

Được biết, trong năm 2021, tỉnh Quảng Bình được Thủ tướng Chính phủ giao nguồn vốn đầu tư công hơn 4.235 tỷ đồng. Hiện Quảng Bình đang nằm trong nhóm các địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn thấp do gặp phải một số khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực tế, nhất là đối với các dự án ODA, nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.  

Lê Quyết