Những năm gần đây, tỉnh Quảng Bình đã và đang tích cực cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, ban hành các chính sách ưu đãi, giải pháp hỗ trợ nhà đầu tư... xây dựng một môi trường đầu tư kinh doanh doanh bình đẳng, thông thoáng, minh bạch để mời gọi, thu hút các nhà đầu tư có năng lực đến đầu tư tại Quảng Bình.

Đến nay, nhiều nhà đầu tư, nhiều thương hiệu lớn đã có mặt tại Quảng Bình như: Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn FLC, Hà Nội Tourist, Sài Gòn Tourist, Tập đoàn SCG (Thái Lan), Tập đoàn CP (Thái Lan), Tập đoàn Linfox (Úc), Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Điện gió B&T... đang đầu tư trên các lĩnh vực: Trung tâm thương mại, khách sạn nghỉ dưỡng, bất động sản, sân golf, nông nghiệp, vật liệu xây dựng, nhiệt điện, năng lượng, logistics...

Dự án FLC Quảng Bình Beach & Golf Resort là dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng lớn nhất tại miền Trung tính tới thời điểm hiện tại
Dự án FLC Quảng Bình Beach & Golf Resort là dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng lớn nhất tại miền Trung tính tới thời điểm hiện tại.

 Theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Bình, hiện có 26 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) được cấp Giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký đầu tư là 1.078,63 triệu USD. Trong đó, 9 dự án đầu tư đã đi vào hoạt động chính thức, 13 dự án đang xây dựng cơ bản, 2 dự án đang lập dự án đầu tư, 2 dự án tạm ngừng hoạt động.

Đối với các dự án đang đầu tư xây dựng cơ bản, mặc dù gặp nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, tuy nhiên nhiều dự án vẫn tiếp tục đầu tư và đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện và giải ngân nguồn vốn đảm bảo tiến độ cam kết như: Dự án Trại sản xuất tôm giống Quảng Bình 2 của Công ty Cổ phần CP; Dự án Nhà máy điện mặt trời 49,5MWp của Công ty TNHH Năng lượng xanh Dohwa; Cụm dự án Trang trại điện gió B&T.

Dự kiến, lũy kế giải ngân từ đầu năm đến kỳ báo cáo khoảng 70 triệu USD. Riêng các dự án đã hoàn thành đi vào hoạt động, do ảnh hưởng khá lớn bởi COVID-19 và thiên tai trong thời gian vừa qua, kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của các dự án bị giảm mạnh doanh thu năm 2020 ước đạt khoảng 165 triệu USD. Theo đó, chỉ đạt 75% so với cùng kỳ năm 2019, giải quyết việc làm cho 1.511 lao động, nộp ngân sách ước đạt 6,0 triệu USD.

Ngoài ra, hiện UBND tỉnh Quảng Bình đang lấy ý kiến, thẩm định của các Sở, ngành, địa phương có liên quan để báo cáo UBND tỉnh cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 3 dự án đầu tư: Dự án Trang trại chăn nuôi lợn giống chất lượng cao; Dự án Trang trại chăn nuôi lợn giống chất lượng cao của Công ty TNHH Buntaphan Quảng Bình với tổng mức đầu tư 12,8 triệu USD và Dự án Trang trại điện gió BT2- Giai đoạn 2 của Công ty Cổ phần điện gió BT3 với tổng mức đầu tư 54,6 triệu USD. Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Bình cũng sẽ tích cực hỗ trợ các nhà đầu tư nước ngoài đang nghiên cứu, khảo sát sớm triển khai các dự án đầu tư tại tỉnh như: Tập đoạn Sowitec về đầu tư nhà máy điện gió Quảng Bình 1 với công suất 252 MW tại huyện Minh Hóa và Tuyên Hóa với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 315 triệu USD; Liên danh Công ty Cổ phần Tập đoàn Đồng Tâm và Quadran International (Pháp) đầu tư dự án Nhà máy điện gió ngoài khơi với công suất 711MW...

Theo kế hoạch đề ra, năm 2021, tỉnh Quảng Bình sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư vào các lĩnh vực mà Quảng Bình có tiềm năng, thế mạnh.

Giai đoạn 2021-2023, tỉnh Quảng Bình kêu gọi gồm 62 dự án trên các lĩnh. Trong đó, nông nghiệp 16 dự án; công nghiệp – năng lượng – thương mại 22 dự án; phát triển kết cấu hạ tầng 12 dự án và du lịch 12 dự án. Tỉnh Quảng Bình cũng trao Quyết định chủ trương đầu tư và Biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư cho 27 nhà đầu tư thực hiện 34 dự án với tổng vốn đăng ký là 94.678 tỷ đồng (tương đương 4,1 tỷ USD). Trong đó, trao Quyết định chủ trương đầu tư cho 11 nhà đầu tư thực hiện 13 dự án với tổng vốn 20.995 tỷ đồng; trao Biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư cho 16 nhà đầu tư thực hiện 21 dự án với tổng số vốn đăng ký 73.683 tỷ đồng.

Lê Quyết