Buôn lậu diễn biến phức tạp

Trong 6 tháng đầu năm 2019, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng trên địa bàn tỉnh còn diễn biến phức tạp, tác động xấu đến kinh doanh, lưu thông hàng hóa trên địa bàn.

Hàng hóa vi phạm được phát hiện chủ yếu gồm: Ma túy tổng hợp,  pháo, gỗ, thuốc lá ngoại, rượu ngoại, dược phẩm, máy móc các loại… Thủ đoạn vận chuyển tinh vi và luôn có phương án đối phó với hoạt động kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng.

Bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, BCĐ 389 Quốc gia, UBND tỉnh, BCĐ 389 Quảng Bình đã yêu các ngành thành viên tiếp tục chủ động xây dựng kế hoạch của ngành để triển khai theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị. Trong đó, chú ý tập trung vào các địa bàn trọng điểm như: Cửa khẩu Cha Lo, Cảng La, Cảng Gianh, các tuyến đường bộ, tuyến đường sắt, đường hàng không. Các hàng hóa chủ yếu như: Ma túy, chất nổ, pháo nổ, các mặt hàng thực phẩm, hàng tiêu dùng (thuốc lá, rượu, bia, đồ uống…), phân bón, vật tư nông nghiệp, chất cấm trong chăn nuôi, dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, xăng dầu…

Lực lượng chức năng tỉnh Quảng Bình phát hiện, bắt giữ 18.000 bao thuốc lá ại nhập lậuLực lượng chức năng tỉnh Quảng Bình phát hiện, bắt giữ 18.000 bao thuốc lá nhập lậu (Ảnh: QLTT Quảng Bình)

Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2019, theo số liệu thống kê, các lực lượng chức năng tỉnh Quảng Bình đã phát hiện và xử lý 1.384 vụ (tăng 383 vụ so với cùng kỳ năm 2018). Trong đó, xử phạt hành chính 1.292 vụ. Tổng số tiền phạt hành chính, tiền bổ sung, truy thu thuế và tiền bán hàng tịch thu là hơn 17 tỷ đồng.

Các mặt hàng vi phạm được phát hiện chủ yếu là thuốc lá điếu nhập lậu, mỹ phẩm, giày dép các loại, máy móc, hàng điện tử, điện lạnh các loại. Tình hình sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với các thủ đoạn tinh vi. Các đối tượng sản xuất sử dụng nguồn nguyên liệu giá thành thấp, mua trôi nổi trên thị trường, không rõ nguồn gốc xuất xứ để lắp ráp thành phẩm hoàn chỉnh sau đó dán nhãn mác của các nhà sản xuất đã được đăng kí nhãn hiệu để tuồn ra thị trường.

Các hoạt động thương mại điện tử thông qua việc thành lập các website để bán hàng qua mạng ngày càng phổ biến. Do đó, nhiều đối tượng đã lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ, đặc biệt là các mặt hàng thời trang, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng được bày bán công khai trên mạng xã hội gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc phát hiện nơi kinh doanh hoặc kho chứa trữ hàng hóa của các đối tượng này để kiểm tra, xử lý.

Nhiều biện pháp đấu tranh với hàng lậu

Dự báo, những tháng cuối năm, nhu cầu sử dụng hàng hóa, nhất là nhóm hàng thực phẩm, đồ gia dụng tăng sẽ tác động đến sự biến động của giá cả và cung cầu hàng hóa trên thị trường trong tỉnh.

Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn diễn biến phức tạp. Đặc  biệt, tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng như: Hàng may mặc, dược phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, đường, bia, rượu, nước giải khát, đồ gia dụng, điện tử, điện lạnh, thuốc lá điếu… Hoạt động thương mại điện tử phát triển mạnh, việc quản lý hoạt động của các website thương mại điện tử do các cá nhân thiết lập gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Vũ Quang Thắng – Cục trưởng Cục QLTT Quảng Bình, Phó BCĐ 389 tỉnh cho biết:

Để từng bước ngăn chặn, đẩy lùi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, BCĐ 389 tỉnh đã đề ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm trong những tháng cuối năm 2019. Cụ thể, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung chỉ đạo của Chính phủ, BCĐ 389 Quốc gia, UBND tỉnh.

Mặt khác, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chú trọng công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng; phá các đường dây, ổ nhóm buôn lậu, sản xuất buôn bán hàng giả và gian lận thương mại có quy mô lớn, phát hiện và thông báo kịp thời những hành vi, thủ đoạn, đối tượng phạm tội mới xuất hiện khi hội nhập quốc tế.

BCĐ 389 tỉnh Quảng Bình cũng yêu cầu các sở, ngành tăng cường công tác đấu tranh, phát hiện, bắt giữ, xử lý buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Lê Quyết