Sản phẩm Nutri Fucoidan không phải là thuốc, không thể thay thế thuốc chữa bệnh
Như đã thông tin, khi mà người tiêu dùng chưa hết hoang mang sau vụ án gần 600 nhãn hiệu sữa bị làm giả, được cơ quan điều tra, Bộ Công an triệt phá, thì thời gian gần đây, trên các website, mạng xã hội lại xuất hiện tràn lan những thông tin quảng cáo về công dụng “thần kỳ” của một sản phẩm có tên "Sữa" Nutri Fucoidan có thể hỗ trợ phòng chống và điều trị ung thư...
Cụ thể, theo Giấy xác nhận nội dung quảng cáo số 36266/2020//XNQC-ATTP do Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế ký ngày 10/11/2020. Với nội dung: “Sản phẩm có công dụng như hỗ trợ tăng cường khả năng chống oxy hóa, hỗ trợ tăng cường sức đề kháng, hỗ trợ hạn chế tác hại của quá trình oxy hóa đối với người có sức đề kháng kém”, nhưng thời gian qua tại website “trang.store”, “sieuthikhoevadep.vn”, “nutrifucoidan.online” lại quảng cáo sản phẩm Nutri Fucoidan Plus có thể, “nâng cao sức đề kháng, giải thiểu bệnh tật, đặc biệt là ngăn ngừa ung thư…”; “Bổ sung đạm thực vật, phục hồi sức khỏe hiệu quả"; "Hỗ trợ phòng chống và điều trị ung thư”…

Tương tự, trên nền tảng mạng xã hội facebook, các tài khoản như “Nutri Fucoidan - Thực Dưỡng Miễn Dịch”, với 6.000 lượt theo dõi); “An Phuc Mai (Diệu Minh)”, với 5.300 lượt theo dõi… liên tục đăng tải các bài viết nói về Thực dưỡng miễn dịch Nutri Fucoidan, công dụng của sản phẩm Nutri Fucoidan Plus đối với người bệnh, và các bệnh nhân đang mắc bệnh ung thư…
Theo Giấy tiếp nhận đăng ký bản Công bố sản phẩm 10430/2020/ĐKSP đều do Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế ký ngày 22/10/2020, cấp cho đơn vị phân phối là Công ty Cổ phầm THT Pharma, thì sản phẩm Nutri Fucoidan plus là Thực phẩm bảo vệ sức khỏe, không phải là thuốc, không có khả năng chữa bệnh, thay thế được thuốc chữa bệnh.
Liên quan đến hoạt động quảng cáo sản phẩm Nutri Fucoidan Plus, nhận định dưới góc độ pháp lý, Luật sư Vi Văn Diện, Giám đốc Công ty Luật Thiên Minh cho biết: Căn cứ khoản 9 Điều 8 Luật Quảng cáo 2012, quảng cáo sai sự thật có thể được hiểu là quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố.
Pháp luật Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhằm kiểm soát và xử lý các hành vi quảng cáo sai sự thật, đặc biệt trong lĩnh vực y tế. Cụ thể, theo khoản 5, 7, 8 Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 60 - 80 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 51, điểm b khoản 4 Điều 52, khoản 1 Điều 60, điểm c khoản 1 Điều 61 Nghị định 38/2021/NĐ-CP.

Hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm từ đến 5 - 7 tháng; tước quyền sử dụng Giấy xác nhận nội dung quảng cáo từ 22 - 24 tháng đối với vi phạm quy định tại điểm a khoản 2, điểm b khoản 4, khoản 5 Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP trong trường hợp vi phạm về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe từ 02 lần trở lên trong thời hạn 6 tháng.
Buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm báo, tạp chí in quảng cáo; buộc cải chính thông tin đối với hành vi quảng cáo không đúng sự thật hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng.
"Nếu hành vi quảng cáo sai sự thật gây hậu quả nghiêm trọng, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội quảng cáo gian dối theo Điều 197 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017): Người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 - 50 triệu đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm.
Ngoài ra, theo quy định tại Điều 194 Bộ luật Hình sự: Nếu việc quảng cáo liên quan đến thuốc giả, người vi phạm có thể bị truy cứu về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, với mức phạt tù cao nhất lên đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình", Luật sư Vi Văn Diện cho biết.
Bệnh nhân ung thu phải điều trị theo phác đồ được bác sĩ chỉ định
Theo các chuyên gia y tế cho biết: Bệnh nhân ung thư cần điều trị theo phác đồ được bác sĩ chỉ định và tuân thủ các hướng dẫn của bác sĩ. Phác đồ điều trị được thiết kế riêng cho từng bệnh nhân dựa trên loại ung thư, giai đoạn bệnh, tình trạng sức khỏe và các yếu tố khác.
Bên cạnh đó, bệnh nhân điều trị ung thư thường uống cùng lúc rất nhiều loại thuốc, việc sử dụng thêm thực phẩm chức năng sẽ làm tăng nguy cơ tương tác thuốc tiềm ẩn. Để an toàn, người bệnh nên cung cấp đầy đủ thông tin về các thực phẩm chức năng bạn đang sử dụng cho bác sĩ và không sử dụng một thực phẩm chức năng mới mà không được sự đồng ý từ bác sĩ.
Ngoài ra, phải sử dụng thận trọng, tránh các thực phẩm chức năng được quảng cáo với các hiệu quả "thần kỳ", đột phá hoặc phát minh mới, những thực phẩm chức năng không rõ cơ chế cũng như những sản phẩm khẳng định hiệu quả tốt mà hoàn toàn không có tác dụng phụ...

Cụ thể, theo bắc sĩ Bùi Thị Thanh, khoa Nội Hô hấp, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết: Các phương thức chữa bệnh ung thư như điều trị đông y, thực dưỡng hoặc tập pháp luân công để khỏi bệnh, là các biện pháp chưa có bằng chứng khoa học về khả năng điều trị khỏi ung thư. Đã có nhiều bệnh nhân sau một thời gian điều trị bằng các biện pháp không đặc hiệu này, ung thư tiếp tục tiến triển, thể trạng yếu đi, suy kiệt và khi quay trở lại bệnh viện thì đã “trễ” với các biện pháp điều trị đặc hiệu. Theo thống kê, có đến 30% bệnh nhân ung thư tử vong vì suy kiệt, suy dinh dưỡng trước khi tử vong vì căn bệnh ung thư…
Tương tự, bác sĩ Đỗ Huyền Nga, Phụ trách khoa Nội hệ tạo huyết, Bệnh viện K cũng cho rằng: Điều trị ung thư máu là sự kết hợp phác đồ đa mô thức, các phương pháp điều trị như hóa trị, phẫu thuật... các bác sĩ cân nhắc tùy theo thể trạng sức khỏe, dạng bệnh và tuổi.
Điều quan trọng nhất, đó là tâm lý của người bệnh và gia đình. Người nhà không nên quá hoang mang, lo lắng, hãy trao đổi và chia sẻ với bác sĩ để hiểu rõ hơn về tình hình sức khỏe và quá trình điều trị của con. Đừng vì cả tin, mà bỏ dở điều trị, đi theo những lời khuyên hay phương pháp thiếu cơ sở khoa học và không có đích đến. Bởi để chiến thắng ung thư, không có phương pháp nào ngoài y học hiện đại và chính tâm lý lạc quan của người bệnh…
Đặc biệt, những bệnh nhân bị mắc chứng bệnh ung thư thường rất hoang mang, lo lắng cho sức khỏe của mình. Đồng thời, để chữa trị căn bệnh ung thư quái ác, phải điều trị lâu dài, và vô cùng tốn kém về kinh phí.

Đơn cử, thông tin tại Chương trình giao lưu nghệ thuật và gây Quỹ hỗ trợ cho bệnh nhân ung thư nghèo "Ngày mai tươi sáng" (ngày 1/12/2024 tại Hà Nội), bà Đào Hồng Lan, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết: “Người bệnh ung thư phải đương đầu với những khó khăn chồng chất, đặc biệt các trường hợp không có thẻ BHYT. Nhiều bệnh nhân không thể tiếp cận hoặc không đủ khả năng để theo đuổi các phương pháp điều trị tiên tiến nếu không có hỗ trợ tài chính kịp thời…
Là những người được giao trọng trách trực tiếp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân, chúng tôi thực sự xót xa, thương tâm khi chứng kiến nhiều em nhỏ phải vĩnh viễn rời xa việc học tập, vui chơi cùng bạn bè và không thể tiếp tục chạy chữa do gia cảnh quá khó khăn; rất nhiều trường hợp các nhân viên Y tế phải tự quyên góp để cho người bệnh có tiền để điều trị, ăn, ở và đi lại…".
Do vậy, có thể thấy việc quảng cáo sản phẩm Nutri Fucoidan Plus có thể hỗ trợ phòng chống và điều trị ung thư…, thì những đối tượng đang bỏ ngoài tai những quy định về quảng cáo, để thổi phồng công dụng của sản phẩm Nutri Fucoidan Plus, bòn rút từng đồng từ lòng tin của người bệnh mắc ung thư.
Bộ Y tế cấm bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế quảng cáo thực phẩm, thực phẩm chức năng
Ngoài việc quảng cáo sai quy định, thổi phòng công dụng của sản phẩm Nutri Fucoidan Plus, website “trang.store” còn đăng tải hàng loạt các clip về các chuyên gia y tế như: Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Vân Anh, Nguyên trưởng khoa nội - Viện Y học cổ truyền – BQP; TTƯT.Ths.Bs Hoàng Khánh Toàn – Nguyên Chủ nghiệm Khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108… nói về Thực dưỡng miễn dịch Nutri Fucoidan, công dụng của sản phẩm Nutri Fucoidan Plus đối với người bệnh, và các bệnh nhân đang mắc bệnh ung thư.
Website này đăng tải hàng loạt clip, hình ảnh nhiều cơ quan báo chí, truyền hình đăng tải về Thực dưỡng miễn dịch Nutri Fucoidan, công dụng của sản phẩm Nutri Fucoidan Plus…, cùng những chứng nhận, giấy xác nhận của các cơ quan, tổ chức cấp, trao cho Công ty Cổ phần dược phẩm THT Pharma, có địa chỉ tại: Số 9/3/143/202 phố Nguyễn Chính, phường Thịnh Liệt, (Hoàng Mai, TP. Hà Nội).


Tương tự, tại website “nutrifucoidan.online” cũng đăng tải hàng loạt bài viết, clip của chuyên gia y tế, như: TS. Lương y Ngô Đức Vượng chia sẻ phương pháp ăn thực dưỡng để điều trị bệnh ung thư; Ths.BS Trần Nhật Tiến Trường Khoa học Bệnh viên Ung biếu Hà Nội; bà Đỗ Thị Ngọc Diệp Phó chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam nói về công dụng Thực dưỡng miễn dịch Nutri Fucoidan, công dụng của sản phẩm Nutri Fucoidan Plus.
Đặc biệt, website này còn đăng tải các clip của bệnh nhân đang mắc bệnh ung thư nói về quá trình sử dụng sản phẩm Nutri Fucoidan…
Hoạt động này đang vi phạm Khoản 2, Điều 27, Nghị định 15/2018/NĐ-CP, quy định: "Nội dung quảng cáo phải phù hợp với công dụng, tác dụng của sản phẩm đã được công bố trong bản công bố sản phẩm. Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm".
Bên cạnh đó, liên quan đến hoạt động quảng cáo, mới đây Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa có văn bản khẳng định việc bác sỹ, dược sỹ và nhân viên y tế tham gia quảng cáo thực phẩm, thực phẩm chức năng với vai trò “bảo chứng y khoa”, là hành vi vi phạm pháp luật, đồng thời yêu cầu các đơn vị y tế chấn chỉnh và xử lý nghiêm.

Để tìm hiểu về đơn vị đang quản lý, vận hành website “nutrifucoidan.online”, phóng viên đã liên hệ qua điên thoại theo số hotline: 0866.205.8XX (được đăng tải trên trang này), thì được một người phụ nữ nghe máy và tự xưng là nhân viên của Công ty Cổ phần dược phẩm THT Pharma, và website “nutrifucoidan.online” cũng thuộc sự quản lý, vận hành của doanh nghiệp này.
Sau đó, người này liên tục giới thiệu về thành phần, công dụng của sản phẩm Nutri Fucoidan. Đồng thời, cũng không quên giới thiệu thêm một số sản phẩm tương tự như Nutri Fucoidan, nhưng là dạng viên uống, hiệu quả hơn và có giá bán cao hơn…
Trước thực trạng hàng giả, hàng nhái; hoạt động quảng cáo các loại mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe... đang có diễn biến phức tạp. Để bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật, tránh ảnh hưởng tới quyền lợi của người tiêu dùng, đề nghị Bộ Y tế, Cục An toàn thực phẩm và các cơ quan chức năng có liên quan cần vào cuộc, xác mình làm rõ, xử lý nghiêm hoạt động quảng cáo sai quy định về công dụng của sản phẩm Thực phẩm báo vệ sức khỏe Nutri Fucoidan...
Liên quan đến hoạt động quảng cáo về sản phẩm Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Nutri Fucoidan, trước đó, ngày 25/11/2021, Cục An toàn thực phẩm cũng đã phát đi cảnh báo: Nutri Fucoidan đang quảng cáo vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo.

Cụ thể, Cục An toàn thực phẩm nêu rõ: “Trong thời gian vừa qua trên một số website https://bit.ly/3I1AHrL, https://bit.ly/3o5Dyb1 có nội dung quảng cáo sản phẩm Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Nutri Fucoidan không đúng bản chất, lừa dối người tiêu dùng, vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo.
Sản phẩm này do Công ty Cổ Phần THT Pharma địa chỉ số 9/3/143/202 phố Nguyễn Chính, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội công bố và chịu trách nhiệm sản phẩm. Cục An toàn thực phẩm đang phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý vi phạm nêu trên. Kết quả xử lý, Cục An toàn thực phẩm sẽ công khai trên website của Cục tại địa chỉ: https://vfa.gov.vn.
Trong quá trình các cơ quan chức năng xử lý, Cục An toàn thực phẩm đề nghị người tiêu dùng không căn cứ vào các nội dung quảng cáo sai sự thật trên các website nêu trên để quyết định mua, sử dụng sản phẩm tránh gây ảnh hưởng đến sức khỏe và kính tế”.
Tuấn Ngọc