Ngày 23/02, đại diện Sở Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) tỉnh Quảng Nam cho biết, thời gian qua đã nhận được phản ánh của các địa phương, doanh nghiệp xây dựng về việc các doanh nghiệp có giấy phép khai thác khoáng sản cát, sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh tạm dừng hoạt động dẫn đến thiếu hụt nguồn vật liệu cát, sỏi phục vụ cho các công trình, nhà ở, khiến giá cát tăng đột biến, ảnh hưởng đến tiến độ thi công cũng như chi phí đầu tư xây dựng các công trình trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận. Vì thế, ngoài việc yêu cầu các mỏ có trữ lượng lớn tại Đại Lộc sớm khắc phục những khó khăn đưa mỏ vào hoạt động trở lại, Sở TN&MT đã có công văn đề nghị các huyện như: Duy Xuyên, Núi Thành, Tiên Phước, Hiệp Đức, Phước Sơn, Bắc Trà My, Nam Trà My, Đông Giang đôn đốc các doanh nghiệp khai thác cát, sỏi có mỏ còn hiệu lực trên địa bàn đưa mỏ vào hoạt động khai thác. Trường hợp các mỏ không đưa vào hoạt động khai thác phải có lý do chính đáng và có văn bản gửi về Sở TN&MT trước ngày 27/02 để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo.
Lãnh đạo UBND huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam cho biết, các ngành chức năng đã tiến hành kiểm tra 03 mỏ cát được cơ quan có thẩm quyền cấp phép khai thác trên địa bàn, gồm: mỏ Ngọc Kinh Đông ở xã Đại Hồng, mỏ Hội Khách ở xã Đại Sơn của Công ty TNHH TM Pha Lê Quảng Nam và mỏ tại thôn 1, xã Đại Hòa (mới cấp phép) của Công ty TNHH Quang Cử.
Ngoài ra, lãnh đạo UBND huyện Đại Lộc cũng yêu cầu Công ty CP Trường Lợi và Công ty TNHH TM Pha Lê Quảng Nam sớm đưa mỏ vào hoạt động trước ngày 25/02/2023 và giá cát, sỏi bán tại mỏ phải theo quy định của UBND tỉnh Quảng Nam nhằm khắc phục tình trạng khan hiếm cát xây dựng trên thị trường như hiện nay.
Hữu Hoàng