Hai năm nay, ông Hứa Trường Danh ở thôn Gia Huệ, xã Đại Minh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam đã chuyển đổi những diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây thơm, xen canh cây ổi, cây quýt. “Trước đây, mỗi năm, ông trồng lúa, thu nhập thấp. Vì vậy, ông đầu tư chuyển sang trồng vườn. Hiện, ông Danh  đã trồng trên 30 ngàn cây thơm trên diện tích 3 ha, mỗi năm thu lãi từ 150 - 200 triệu đồng, ông Danh nói.

Cũng theo ông Hứa Trường Danh, trước đây trồng lúa nhưng chi phí phân bón  tăng cao, giá trị kinh tế lúa thấp, nên tôi quyết định chuyển đổi qua trồng cây dứa, cây ăn quả. Mô hình này so với cây lúa hiệu quả hơn. Sắp tới tôi mở rộng, vụ Tết năm nay bắt đầu thu hoạch.

Đến nay, nông dân huyện Đại Lộc nhờ mạnh dạn chuyển đổi cây trồng và áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất đã chuyển đổi hơn 500 ha đất lúa kém hiệu quả, không chủ động nước tưới sang sản xuất hoa màu các loại.

Ông Hứa Trường Danh cho biết, trồng thơm cho hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần trồng lúa. (Ảnh: VOV)
Ông Hứa Trường Danh cho biết, trồng thơm cho hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần trồng lúa.

Chia sẻ với báo chí, ông Hồ Ngọc Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam cho biết, quan điểm của huyện là khuyến khích các địa phương chuyển đổi cây trồng. Địa phương hỗ trợ nông dân về vốn, phân bón, liên kết với các đơn vị hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm.

“Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vẫn còn những hạn chế. Đó là quy mô chuyển đổi cây trồng ở một số địa phương còn mang tính thời vụ, chưa bền vững và còn manh mún, thiếu tính liên kết vùng, quy mô lớn. Mặt khác, đầu ra một số sản phẩm nông nghiệp không ổn định, giá cả bấp bênh, tiềm ẩn nhiều rủi ro”, ông Mẫn chia sẻ.

Cũng theo ông Hồ Ngọc Mẫn: “Đến nay, diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng cơ bản đảm bảo được năng suất cây trồng, có hiệu quả hơn so với cây lúa. Chính sách đối với bà con, huyện bố trí nguồn giống, cũng như vật tư về phân bón để hỗ trợ cho các địa phương tham gia mô hình chuyển đổi trên đất lúa nhân rộng cho phát triển sau này".

Ông Nguyễn Xuân Vũ, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam cho biết: “Trong thời gian đến tập trung công tác tuyên truyền để người dân nhận thấy được việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả là một chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước để triển khai thực hiện.

Người dân xã Tam An, huyện Phú Ninh (Quảng Nam) chuyển đổi đất lúa sang trồng rau màu, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Người dân xã Tam An, huyện Phú Ninh chuyển đổi đất lúa sang trồng rau màu, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Đồng thời, tiến hành quy hoạch khuyến khích các hình thức tập trung tích tụ ruộng đất tại các vùng chuyển đổi, tạo điều kiện cho các cá nhân, tập thể triển khai thực hiện, đầu tư máy móc trang thiết bị từ khâu sản xuất, chế biến tiêu thụ nông sản. Tỉnh khuyến cáo người nông dân ưu tiên chuyển đổi các loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao, tạo điều kiện để đầu ra cho nông sản tiếp cận với thị trường".

Được biết, năm nay, tỉnh Quảng Nam đã hỗ trợ nông dân chuyển đổi 1.300 héc ta đất lúa không chủ động nước tưới sang trồng các loại cây trồng cạn, trồng hoa màu, trồng cỏ nuôi bò hoặc đào ao thả cá.

Lê Pháp (T/h)