Ảnh minh họa (Nguồn: bacninh.gov.vn)
Ảnh minh họa (Nguồn: bacninh.gov.vn)

Mục tiêu của Kế hoạch nhằm thúc đẩy việc học tập suốt đời để con người phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo. Đồng thời, trên cơ sở hình thành mô hình “Công dân học tập” nhằm khuyến khích, tạo cơ hội công bằng, điều kiện thuận lợi cho cá nhân trong tổ chức, đơn vị, gia đình và mọi công dân trong xã hội được tham gia học tập thường xuyên, suốt đời. Từ đó, hướng tới công dân số đáp ứng yêu cầu của Chương trình chuyển đổi số Quốc gia.

Bắc Ninh đặt mục tiêu, phấn đấu đến năm 2025, 100% cán bộ, hội viên Hội Khuyến học tỉnh được học tập quán triệt các tiêu chí xây dựng mô hình “Công dân học tập”; 45% người lớn trong gia đình, dòng họ, cộng đồng học tập và 65% cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động trong đơn vị học tập đạt danh hiệu “Công dân học tập”; 75% số người đạt danh hiệu “Công dân học tập” đều có những kỹ năng số…

Để đạt được các mục tiêu đề ra, UBND tỉnh giao Hội Khuyến học tỉnh chủ trì, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội có liên quan nghiên cứu, xây dựng, ban hành những Bộ tiêu chí có chỉ số đo khác nhau cho các nhóm đối tượng là nông dân, công nhân, công chức, viên chức, doanh nhân, cán bộ quản lý để bảo đảm mức độ hợp lý và tính khả thi trong triển khai đại trà chủ trương xây dựng mô hình “Công dân học tập” trên mọi lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và đời sống xã hội. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về xây dựng mô hình “Công dân học tập”; phát động phong trào thi đua học tập suốt đời, xây dựng mô hình “Công dân học tập” trong toàn tỉnh.

Đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức các hoạt động học tập suốt đời, xây dựng mô hình “Công dân học tập”; tăng cường giao lưu, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực xây dựng xã hội học tập gắn với phát triển công nghệ số. Cùng với đó, triển khai công tác tập huấn, sơ kết, tổng kết, hội thảo, khảo sát, điều tra, đánh giá việc xây dựng mô hình “Công dân học tập” theo chuyên đề. Huy động nguồn lực xã hội hóa nhằm tăng cường sự đóng góp của cộng đồng trong việc thúc đẩy phong trào học tập suốt đời, nhân rộng mô hình “Công dân học tập”, góp phần xây dựng xã hội học tập.

PV