Qua 04 năm triển khai thực hiện chương trình OCOP (2018 - 2021), toàn tỉnh có 268 sản phẩm của 207 chủ thể được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP
Qua 04 năm triển khai thực hiện chương trình OCOP (2018 - 2021), toàn tỉnh có 268 sản phẩm của 207 chủ thể được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP.

Năm 2021, từ nguồn kinh phí sự nghiệp nông thôn mới của Trung ương và ngân sách tỉnh, UBND tỉnh Quảng Nam đã phân bổ 11,2 tỷ đồng hỗ trợ thực hiện chương trình OCOP.

Trong năm qua, tỉnh Quảng Nam có tổng cộng 91 sản phẩm tham gia chương trình. Qua đánh giá, hội đồng cấp tỉnh đề xuất UBND tỉnh quyết định công nhận 73 sản phẩm của 65 chủ thể đạt chuẩn OCOP hạng 03 - 04 sao. Trong đó có 19 sản phẩm 04 sao (11 sản phẩm nâng cấp) và 54 sản phẩm 03 sao.

Như vậy, qua 04 năm triển khai thực hiện chương trình OCOP (2018 - 2021), toàn tỉnh có 268 sản phẩm của 207 chủ thể được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP. Trong đó có 222 sản phẩm 03 sao, 45 sản phẩm 04 sao, 01 sản phẩm tiềm năng 05 sao.

Ghi nhận về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn đánh giá cao nỗ lực của các ngành, địa phương và đặc biệt là các chủ thể trong việc thực hiện chương trình OCOP năm 2021. Đồng thời đề nghị các đơn vị liên quan khẩn trương tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện chương trình OCOP năm 2022 một cách cụ thể và bài bản.

Nước mắm Cửa Khe Hai Hiền đạt hạng 4 sao OCOP.
Nước mắm Cửa Khe Hai Hiền đạt hạng 4 sao OCOP..

Theo ông Trần Anh Tuấn, thời gian tới việc thực hiện chương trình OCOP cần theo hướng vừa duy trì và nâng cao chất lượng các sản phẩm đã đạt chuẩn, vừa tập trung hỗ trợ phát triển những sản phẩm mới nhưng không nên chạy theo thành tích.

Các cấp, các ngành cần quan tâm tạo điều kiện cho các chủ thể tham quan, học tập kinh nghiệm ở trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, tích cực hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong sản xuất - kinh doanh; đẩy mạnh liên kết với các trung tâm thương mại, chợ... nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP.

Hoàng Gia Bảo