Quảng trường 30/10, bảo tàng – thư viện Quảng Ninh, Cung quy hoạch, hội chợ, triển lãm thuộc phường Hồng Hải, thành phố Hạ Long, là cụm công trình hướng tới kỉ niệm 50 năm thành lập tỉnh, có mức vốn đầu tư lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Đây là nơi diễn ra rất nhiều sự kiện văn hóa trọng điểm, là nơi vui chơi giải trí của người dân. Tuy nhiên cụm công trình lại đang có những dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng nhưng chưa được quan tâm sửa chữa.
Cụm công trình bảo tàng – thư viện tỉnh Quảng Ninh được hoàn thành vào năm 2013, với mức đầu tư trên 900 tỷ đổng, có diện tích 6500m2, kì vọng sẽ trở thành điểm du lịch văn hóa nổi tiếng, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, vào năm 2017, hàng loạt tấm kính bao quanh công trình đồ sộ bề thế bị vỡ vụn, mà trước đó theo lời đảm bảo của chủ đầu tư xây dựng là những tấm kính này có khả năng chống vỡ do biến đổi nhiệt.
Dưới chân công trình, rất nhiều phiến đá lát vỡ vụn, cong vênh, dây điện chằng chịt làm mất mỹ quan cùng những ô trồng cỏ nham nhở lâu ngày không có người cắt tỉa.
Bậc thềm tại công trình thư viện - bảo tàng nứt vỡ, lộ cả kết cấu sắt thép do chất lượng thi công kém.
Miệng cống mất nắp được che tạm sơ sài bằng khối bê tông
Một ô kính trong tình trạng bị vỡ, mảnh vụn vương vãi
Rất nhiều nơi trên mặt nền công trình gặp tình trạng sụt lún
Ngay cạnh bảo tàng – thư viện tỉnh là quảng trường 30/10, khu vực hội chợ triển lãm với diện tích trên 35.000 m2, tổng mức đầu tư trên 55 tỷ đồng, được khánh thành vào cuối năm 2012.
Sau 6 năm đưa vào hoạt động và sử dụng, công trình đã xuất hiện những điểm xuống cấp nghiêm trọng trong khi trước đó đã được chi một số tiền lớn để đại tu sửa chữa vào tháng 8/2013.
Đường bao quanh quảng trường xuất hiện nhiều đoạn sụt lún, cong vênh
Mặt đường bị bật lên gần 20cm, nhiều phương tiện của người dân bị “sập gầm” khi đi qua đây
Theo ghi nhận của phóng viên, đoạn mặt đường bao quanh quảng trường nham nhở những vết nứt, sụt lún kéo dài. Nền đá bị vỡ nát, đường đi chỗ cao chỗ thấp, những cột điện bị mất nắp, hệ thống đây điện chằng chịt vừa làm mất mỹ quan, vừa nguy hiểm cho người dân nếu bị rò rỉ điện.
Một vị trí khác đất đá ụ thành đống nhìn rất mất mỹ quan
Rất nhiều người dân tỏ ra ái ngại với chất lượng công trình. Cô Ngọc, một người dân sống ở khu vực này trao đổi với phóng viên: “Ngày nào cô cũng tập thể dục ở đây, nhìn càng ngày càng chán. Hồi mới xây còn đẹp đẽ mà mới được vài năm đã xuống cấp thế này. Không biết có phải thi công ẩu hay rút ruột công trình hay không mà lại nhanh hỏng như thế. Toàn tiền trăm tỷ chứ ít đâu. Mấy trăm tỷ xây dựng ấy là bao nhiêu người nghèo có cơm ăn áo mặc rồi”.
Bà Vũ Thị Kim Dung, Giám đốc thư viện tỉnh, đơn vị trực tiếp quản lí khai thác công trình cho biết: “Thư viện vẫn theo dõi thường xuyên, mỗi khi có hỏng hóc gì đều báo lên cấp sở. Phía thư viện là cơ quan chuyên môn khác nên cũng chỉ như “chìa khóa trao tay”, chỉ biết lập biên bản để các cơ quan có thẩm quyền xử lí. Mỗi khi nhận được báo cáo từ thư viện đều có đơn vị tiếp nhận nhưng không thể giải quyết được ngay mà phải chờ thẩm định mới được xét duyệt, cấp kinh phí sửa chữa.”
Liên hệ đến sở Văn hóa tỉnh Quảng Ninh, phóng viên đã đặt lịch hẹn với ông Trần Tiến Dũng - Phó Giám đốc sở phụ trách quản lí di sản trên địa bàn tỉnh, tuy nhiên, do ông Dũng bận họp nên phóng viên chỉ trao đổi được qua điện thoại. Nguyên văn lời ông Dũng trao đổi với phóng viên: “Dưới ấy chẳng thấy người ta báo cáo gì lên trên này cả, nó chả hỏng cái gì cả mà các ông cứ nói ầm lên, nó có hỏng gì đâu mà các chú cứ xuống ấy”. Phóng viên chưa kịp trao đổi thêm thì ông Dũng đã dập máy luôn.
Có lẽ do quá bận họp, bận công tác khác mà lâu nay vị Phó Giám đốc sở không qua cơ sở để kiểm tra thực tế nên mới mạnh dạn trả lời là “nó chả hỏng gì cả”. Không biết trách nhiệm quản lí của cơ quan nhà nước đã “chạy” đi đâu?
Khối công trình Quảng trường 30/10 và cụm bảo tàng - thư viện Quảng Ninh đã và đang là niềm tự hào của người Quảng Ninh, nơi diễn ra các sự kiện văn hóa trọng điểm, đồng thời là điểm vui chơi văn hóa giải trí nhưng khiến người dân không khỏi ái ngại, phải đặt câu hỏi về trách nhiệm quản lí, khi thực tế công trình biểu tượng đang có dấu hiệu xuống cấp trong khi cơ quan quản lí lại nói rằng không? Chất lượng công trình có được đảm bảo theo thời gian như thiết kế ban đầu?
Phạm Tâm – Trần Trang