Không thực hiện nạo vét do không có chỗ đổ thải?
Như THCL đã thông tin, sau hơn 1 thập kỷ, được chuyển giao từ hết đơn vị này đến đơn vị khác thế nhưng hiện tại Cảng Làng Khánh 1 do Công ty Tuyển than Hòn Gai – Vinacomin đang khai thác cảng vẫn sử dụng bản cam kết môi trường phê duyệt dự án bến bãi xuất than tạm do Xí nghiệp Dịch vụ và Kinh doanh than - Công ty Than Hạ Long chuyển giao?
Cùng với đó, theo tìm hiểu của PV tại bản cam kết bảo vệ môi trường đã được lập trước đó thể hiện: "Vùng nước có độ sâu không lớn nên để thuận lợi cho đỗ đậu làm hàng của xà lan trọng tải từ 200-600T". Mặt khác tại biên bản làm việc giữa đại diện Sở TNMT tỉnh Quảng Ninh và công ty ngày 06/01/2020 cũng cho biết bến tiếp nhận tàu, xà lan có trọng 200-600T. Tuy nhiên trao đổi với PV, ông Linh khẳng định hiện tại, Cảng Làng Khánh 1 đang đón xà lan có trọng tải lên đến 1200T? Như vậy, công suất phục vụ các phương tiện vận tải của cảng Làng Khánh 1 đã tăng gấp đôi thậm chí gấp 6 lần thời điểm lập đăng ký bảo vệ môi trường năm 2007?
Hơn nữa, theo bản cam kết bảo vệ môi trường được lập năm 2007 có nêu rõ “hệ thống tuyến cảng của công ty gồm 1 bến máng rót”, thế nhưng cũng tại biên bản làm việc ngày 06/01/2020 giữa Sở TNMT tỉnh Quảng Ninh về việc kiểm tra đột xuất việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước đối với cảng Làng Khánh 1 của Công ty Tuyển than Hòn Gai – Vinacomin đại diện công ty Tuyển than Hòn Gai thể hiện; hiện trạng mặt bến có 6 máng rót trong đó 2 máng rót đã ngừng hoạt động. Tuy nhiên, trao đổi với PV THCL ông Vũ Tuấn Linh - Phó Giám đốc Công ty Tuyển Than Hòn Gai – Vinacomin cho biết: Hiện tại trên bến đang có 7 máng rót than trong đó 5 điểm rót đang hoạt động?
Như vậy, qua từng thời điểm số lượng máng, điểm rót than trên bến có thay đổi, nói cách khác là các công trình trên bến đã tăng lên rõ rệt, thế nhưng đại diện Công ty tuyển than Hòn Gai vẫn khẳng định việc đơn vị này sử dụng bản cam kết bảo vệ môi trường cũ là đúng?
Cũng tại cuộc làm việc với THCL ngày 10/03/2021 ông Vũ Tuấn Linh – Phó Giám đốc Công ty Tuyển Than Hòn Gai – Vinacomin cho biết: Thông thường một năm sẽ thực hiện việc nạo vét một lần, thế nhưng trong một năm vừa qua thì đơn vị chưa thực hiện được việc nạo vét.
Lý giải về nguyên nhân tại sao đơn vị không thực hiện việc nạo vét trong thời gian vừa qua, ông Linh cho biết: Thứ nhất là do thủ tục nạo vét phức tạp hơn, thứ hai là do khu vực tiếp nhận chất thải sau nạo vét (khu vực tiếp nhận đổ thải-PV) là không có.
Tuy nhiên, tại trang 21 mục 6.3 bản cam kết bảo vệ môi trường năm 2007 thể hiện rõ một trong các biện pháp kiểm soát chất thải rắn là: “Trong quá trình nạo vét, lượng đất cát nạo vét luồng lạch được đưa về bãi thải mỏ Hà Ráng”?
Trách nhiệm của cơ quan chức năng ở đâu?
Liên quan tới câu hỏi tại sao trong các quyết định quy hoạch (QĐ 3466/QĐ-UBND do ông Cao Tường Huy – Phó chủ tịch UBND tỉnh ngày 15/08/2019 ký), giấy phép xả thải số 4446/QĐ-UBND do ông Đặng Huy Hậu cấp ngày 22/10/2019 dưới tên gọi Cảng Làng Khánh 1 thế nhưng nơi đây chỉ được cấp giấy phép hoạt động bến thuỷ nội địa dưới tên bến thuỷ nội địa Làng Khánh 1, trao đổi với PV ông Nguyễn Văn Phúc – Trưởng phòng Quản lý Kết cấu hạ tầng và An toàn giao thông, Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Ninh cho biết: Cảng Làng Khánh 1 đang được công bố hoạt động là bến thuỷ nội địa Làng Khánh 1, còn việc các quyết định quy hoạch của tỉnh gọi là Cảng Làng Khánh 1 có thể do nhầm lẫn? Tới thời điểm hiện tại, về cơ sở pháp lý đây là bến thuỷ nội địa.
Về kế hoạch nạo vét luồng lạch khu vực trước bến, trao đổi với PV ông Phúc cho biết: Kinh phí nạo vét các tuyến luồng đường thuỷ nội địa của tỉnh rất lớn, tỉnh Quảng Ninh không có kinh phí, nên riêng với khu vực cụm cảng Làng Khánh, tỉnh đã kêu gọi ngành than vào cuộc tổ chức thực hiện nạo vét.
Cũng trong buổi làm việc, ông Phúc chia sẻ: “Không phải tất cả mọi giấy tờ pháp lý của một công trình này nó phù hợp được với nhau đâu. ĐTM nó là một ngành khác người ta nghiên cứu ở một phạm trù khác người ta cấp, người ta duyệt. Còn bên anh đơn thuần là kỹ thuật, kỹ thuật giao thông thế thôi. Chứ còn bây giờ bảo ông này phù hợp với ông kia thì không hẳn”.
Tuy nhiên, tại điều 9 thông tư liên tịch số 21/2013/TTLT-BGTVT-BTNMT hướng dẫn về quản lý và bảo vệ môi trường trong hoạt động giao thông đường thuỷ nội địa do bộ trưởng bộ GTVT và bộ TNMT ban hành nêu rõ:
“Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo: Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra công tác quản lý, bảo vệ môi trường và xử lý các vấn đề ô nhiễm môi trường tại các cơ sở hoạt động giao thông đường thủy nội địa thuộc phạm vi quản lý; tuyên truyền, đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ, nhân viên về bảo vệ môi trường trong hoạt động giao thông đường thủy nội địa; Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải hướng dẫn về công tác bảo vệ môi trường cho các cơ sở hoạt động giao thông đường thủy nội địa thuộc phạm vi quản lý; hàng năm tổng hợp danh mục các cơ sở cần hỗ trợ kinh phí bảo vệ môi trường từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật; thanh tra, kiểm tra, giám sát, thống kê, đánh giá định kỳ hàng năm để có biện pháp kịp thời giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường tại cơ sở hoạt động giao thông đường thủy nội địa.”
Sông Diễn Vọng là con sông chảy qua huyện Hoành Bồ (cũ), thành phố Cẩm Phả và thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, con sông này trút nước vào Vịnh Cửa Lục và chạy thẳng ra Vịnh Hạ Long. Tới thành phố Hạ Long, hai bên bờ con sông này là những cảng bến than, và vật liệu xây dựng dày đặc. Việc để xảy ra quá nhiều nhầm lẫn trong các quyết định phê duyệt kèm theo đó là hàng loạt mâu thuẫn giữa các số liệu trong hoạt động cảng bến cũng như thực hiện kế hoạch bảo vệ môi trường của đơn vị đang khai thác cảng khiến dư luận đặt dấu hỏi: Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước ở đâu?
Ngày 5/5/2020, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 07/CT-UBND do ông Nguyễn Văn Thắng ký về việc “Quản lý nhà nước trong các lĩnh vực đối với khu vực vịnh Cửa Lục”. Theo đó, yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao, phối hợp chặt chẽ, thường xuyên kiểm tra, rà soát, nắm tình hình các hoạt động diễn ra tại vịnh Cửa Lục; xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm, xâm hại đến môi trường, những dự án xây dựng không phép, trái phép, không đúng theo quy hoạch và tuân thủ các quy định của pháp luật. Cùng với đó, rà soát toàn diện hệ thống xử lý nước thải của các dự án xung quanh khu vực, các cửa cống từ các khu dân cư thuộc các địa bàn xung quanh hiện đang xả thải ra vịnh Cửa Lục để sớm có phương án khắc phục, xử lý kịp thời, chống ô nhiễm môi trường.
Trần Trang