Ông Nguyễn Tường Văn - Thứ trưởng Bộ Xây dựng phát biểu tại hội nghị
Theo đó, ngày 26/2, UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội nghị công bố, công khai đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn đến năm 2040, theo Quyết định số 266/QĐ-TTg ngày 17/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn đến năm 2040.
Trao quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ cho tỉnh Quảng Ninh, ông Nguyễn Tường Văn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng nhấn mạnh, Khu kinh tế Vân Đồn là một trong số 18 Khu kinh tế ven biển của cả nước, có nhiều lợi thế phát triển biển đảo xanh, hiện đại, thông minh; trung tâm kinh tế năng động, ngành nghề mới, trình độ cao...
Trên cơ sở Quyết định số 266/QĐ-TTg ngày 17/2/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn đến năm 2040 và Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn đến năm 2040, Thứ trưởng Bộ Xây dựng tin tưởng rằng đây sẽ là điều kiện thuận lợi để tỉnh Quảng Ninh, huyện Vân Đồn tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển. Là một bước ngoặt vô cùng quan trọng, đánh dấu sự phát triển mới không chỉ của huyện Vân Đồn, mà còn là nguồn lực phát triển mới của tỉnh Quảng Ninh trong giai đoạn tới.
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thắng khẳng định: Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn đến năm 2040 có ý nghĩa rất quan trọng trong chiến lược xây dựng và phát triển của Vân Đồn, cũng như của tỉnh Quảng Ninh và quốc gia.
Với tính chất là khu kinh tế biển đa ngành, đa lĩnh vực, trung tâm công nghiệp giải trí có casino, du lịch biển - đảo cao cấp, dịch vụ tổng hợp; là cửa ngõ giao thương quốc tế để tạo ra những sản phẩm độc đáo, khác biệt, hiện đại với chất lượng cao, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh quốc tế; xây dựng đô thị biển đảo xanh, hiện đại và thông minh, bền vững, có vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng an ninh…
Đây là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc quản lý đầu tư xây dựng, thu hút các nhà đầu tư, tổ chức phân bố dân cư, đô thị, phân bố không gian các khu chức năng và xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, nhằm bảo đảm môi trường sống bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Vân Đồn.
Phối cảnh Khu kinh tế Vân Đồn đến năm 2040.
Trước đó, Khu kinh tế Vân Đồn đã được Thủ tướng Chính phủ thành lập tại Quyết định số 120/2007/QĐ-TTg ngày 26-7-2007; phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn đến năm 2040 với nhiều điểm mới so với quy hoạch đã được phê duyệt năm 2009.
Đó là, đã cập nhật các dự án động lực gồm: sân bay, đường cao tốc; quy mô dân số có sự thay đổi với giai đoạn 2030 là 140.000-200.000 người, giai đoạn 2040 là 300.000-500.000 người. Định hướng cấu trúc phát triển không gian Khu kinh tế Vân Đồn chia theo hai vùng gồm đảo Cái Bầu và quần đảo Vân Hải, định hướng thành năm vành đai phát triển gồm: Vành đai nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp; Vành đai du lịch sinh thái gắn với bảo vệ di sản thiên nhiên; Vành đai đô thị dịch vụ, văn hóa và vui chơi giải trí (khu vực phía đông đảo Cái Bầu); Vành đai dịch vụ, thương mại công nghiệp công nghệ cao và dịch vụ hậu cần (khu vực phía tây đảo Cái Bầu); Vành đai dự trữ phát triển mở rộng phía tây (thuộc địa giới TP Cẩm Phả và huyện Tiên Yên).
So với quy hoạch cũ, định hướng phát triển không gian mới của Vân Đồn ngoài khu vực đảo Cái Bầu thì ở khu vực quần đảo Vân Hải được nghiên cứu và tối đa các giá trị sinh thái đặc hữu, để tạo ra giá trị khác biệt cho Khu kinh tế Vân Đồn.
Với những tiềm năng, cơ hội phát triển đặc biệt, Khu kinh tế Vân Đồn là khu kinh tế duy nhất nằm trong khu vực hợp tác “Hai hành lang - một vành đai” kinh tế Việt – Trung, hợp tác liên vùng Vịnh Bắc Bộ mở rộng, cầu nối ASEAN – Trung Quốc, hành lang kinh tế Nam Ninh – Singapore, trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ (Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh).
Trần Trang