27 Tết, đây là thời điểm nhiều gia đình tập trung đi chợ, siêu thị để mua sắm những vật dụng cần thiết để bày mâm cỗ cúng, lương thực trong 3 ngày Tết. Do đó, thị trường ngày cuối năm vô cùng sôi động với lượng người đổ về các chợ khá đông đúc. Những mặt hàng có sức tiêu thụ mạnh nhất thời gian này vẫn là nhóm mặt hàng nhu yếu phẩm như: Thịt gia súc, gia cầm, hải sản, rau, củ, quả, trái cây và hoa chưng ngày Tết. 

Quảng Ninh: Cuối năm thực phẩm khan hiếm, giá cả... “leo thang” - Hình 1

Giá thực phẩm ngày tết leo thang chóng mặt

Theo khảo sát của PV, giá cả các mặt hàng bắt đầu tăng chóng mặt từ 24 Tết. Cụ thể, tại chợ Cái Rồng (Vân Đồn – Quảng Ninh) thịt bò ngày thường là 230.000 đồng đến giáp tết tăng lên 330.000 đồng/kg; Cá song cũng tăng từ 50.000 đồng đến 80.000 đồng tùy theo loại ; Tôm he tăng từ 300.000 đồng lên 500.000 đồng/kg; mực khô tăng từ 750.000 đồng lên 1.000.000 đồng/kg; … giá rau củ cũng biến động mạnh, mặt hàng này cũng tăng 3,4 lần so với ngày thường.

Tại thị xã Quảng Yên nhiều loại hải sản cũng đang tăng nhanh do cuối năm hàng khan hiếm, nhiều người có nhu cầu sử dụng thực phẩm làm quà tặng. Tại chợ Quảng Yên giá các loại cá cũng tăng từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng/kg; Cua từ 350.000 đồng tăng lên 650.000 đồng/kg; tôm đồng từ 170.000 đồng tăng lên 300.000 đồng/kg.

Mặc dù đã lường trước được tình trạng tăng giá ngày Tết, nhưng người tiêu dùng vẫn khá bất ngờ với mức giá cao ngất ngưởng của nhiều loại sản phẩm. Chị Hồng Thanh (Vân Đồn – Quảng Ninh) cho biết: “Rút kinh nghiệm những năm trước tôi đã mua trước nhiều đồ để dự trữ ngày tết, nhưng có nhiều đồ giáp tết vẫn phải mua thêm như tôm, cua, hàu… Nhưng giá cả tăng lên chóng mặt đồ hải sản tăng gấp 2, 3 lần ngày bình thường nhiều khi không có mà mua. Rau quả, bánh kẹo thì giá ngày càng cao”.

Tình trạng ‘tăng chung’ từ hải sản, thịt gia cầm, thịt lợn, thị bò đến hoa quả cũng khiến người dân phải giật mình. Hiện giá táo Mỹ đã lên đến 100 nghìn đồng/kg, me thái giá 70 nghìn đồng/kg, mãng cầu giá 80 nghìn đồng. Tất cả đều tăng gấp đôi so với vài ngày trước đây. Ngoài ra, hoa cúc chưng bàn thờ cũng được đẩy giá từ 30 nghìn lên 60 nghìn đồng/bó. Riêng cây trạng nguyên ngày thường 60.000 đồng nay cũng tăng lên 200.000 đồng/1 cây, hoa ly đà lạt 300.000 đồng 1 bó.

Lý giải về việc tăng giá đột biến so với các năm trước, chị Mến – tiểu thương tại chợ Cái Rồng cho biết: “Năm nay giá cả tăng đột biến vì đồ hải sản được các tỉnh khác đặt hàng từ 2 tháng trước tết, chính bà con tại Vân Đồn còn nhiều khi không có hải sản mà ăn vì hàng ít hơn”.

Thực tế, năm nào cũng vậy, xu hướng tăng giá cuối năm là điều được dự báo trước, dù cơ quan chức năng đã triển khai nhiều chính sách bình ổn giá thị trường dịp Tết, nhưng giá cả ngày cuối năm vẫn biến động đến bất ngờ. Cuối cùng người chịu thiệt thòi luôn là người tiêu dùng, vậy để có thể thực hiện bình ổn giá một cách triệt đểm, các cơ quan quản lý cần phải nắm rõ tình hình diễn biến của thị trường, ở từng mặt hàng thiết yếu về giá cả, lượng hàng hóa cung ứng để từ đó đưa ra phương án bình ổn thị trường.

Ngoài ra, cần tăng cường công tác quản lý thị trường, các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần nhanh chóng thực hiện việc kê khai giá, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết một cách có hiệu quả...

Trang Nguyễn