Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ.

Theo dự thảo Báo cáo quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tính đến cuối năm 2020, tổng diện tích đất đô thị trên cả nước đạt 2.028.070ha, chiếm 6,12% tổng diện tích tự nhiên.

Các địa phương có diện tích đất đô thị lớn, gồm: Quảng Ninh 119.660ha, Thanh Hóa 84.250ha, Lâm Đồng 80.900ha,  Bình Dương 68.040ha, TP.Hồ Chí Minh 59.950ha, Quảng Nam 57.550ha, Thừa Thiên Huế 54.370ha, Gia Lai 47.770ha, Cần Thơ 47.250ha, Đồng Nai 45.640ha, Hà Nội 43.020ha, Đăk Lắk 40.750ha, Hải Dương 39.470ha.

Bình quân đất đô thị của cả nước là 530m2/người đến cuối năm 2020, nhưng có sự chênh lệch khá lớn giữa các vùng và các địa phương trong cả nước.

Cụ thể, diện tích đất đô thị bình quân đầu người tại khu vực Tây Nguyên rất cao, lên tới 1.137m2/người, Trung du và miền núi phía Bắc 1.136m2/người, Đồng bằng sông Cửu Long 720m2/người, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung 689m2/người, trong khi đó con số này tại Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ khá thấp, tương ứng lần lượt là 422m2/người và 197m2/người.

Một số địa phương có tốc độ đô thị hoá cao, đóng góp cho tăng trưởng lớn như Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hoà, Ninh Thuận, An Giang, Kiên Giang.

Tuy nhiên, đất đô thị gia tăng nhanh chóng phần lớn là do các quyết định hành chính, nhanh hơn so với yêu cầu của phát triển kinh tế.

Tốc độ đô thị hoá nhanh khiến cho số dân thành thị cũng tăng nhanh chóng khi đạt 34 triệu người vào cuối năm 2020, chiếm khoảng 35% tổng dân số cả nước.

Tỷ lệ tăng dân số bình quân khu vực thành thị giai đoạn 2011 - 2020 là 2,64%/năm, gấp hơn 02 lần tỷ lệ tăng dân số của cả nước và gấp 06 lần tỷ lệ tăng dân số khu vực nông thôn.

Trong đó, yếu tố di cư góp phần làm dân số khu vực thành thị tăng thêm 1,3 triệu người, chiếm 3,8% dân số thành thị.

Đặc biệt, nhờ có sự “chuyển mình” từ xã thành phường, thị trấn của nhiều địa phương góp phần chuyển 7,7 triệu người đang là cư dân nông thôn thành cư dân thành thị, tương đương gần 22,6% dân số thành thị của cả nước năm 2020.

Tuy nhiên, chất lượng phát triển đô thị chưa cao, hệ thống kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ. Thiếu kết nối đô thị và nông thôn, giữa trung tâm và các khu vực mở rộng ven đô. Kết nối giữa các đô thị với chuỗi cung ứng hàng hoá, dịch vụ, logistics còn yếu.

Năng lực, trình độ quản lý thấp, chậm đổi mới, còn tình trạng ùn tắc giao thông, úng ngập, ô nhiễm môi trường, nhiều nơi thiếu, quá tải dịch vụ xã hội...


Phương Thảo