Số liệu báo cáo cho thấy, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 đến ngày 19/5/2023, đạt 15,6%, thấp hơn cùng kỳ 2022 (19,1%); tỷ lệ thu hồi tạm ứng năm 2022 và các năm trước chuyển sang năm 2023 mới đạt 16%; tiến độ triển khai các dự án chuyển tiếp và thủ tục khởi công các dự án mới năm 2023 còn chậm so với chỉ đạo.
Công tác chuẩn bị đầu tư các dự án khởi công mới giai đoạn 2023-2025 chưa đáp ứng yêu cầu. Việc phân khai chi tiết cho các Chương trình mục tiêu theo Nghị quyết 12/NQ-HĐND của HĐND tỉnh còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành mục tiêu của Chương trình. Kinh phí phân bổ cho lĩnh vực y tế, giáo dục vẫn chưa được giải ngân. Đến nay, vẫn đang trong quá trình giao dự toán cho đơn vị cấp dưới trực thuộc.
Nguyên nhân được các đại biểu chỉ rõ, đó là công tác chuẩn bị đầu tư chưa kỹ càng dẫn đến thường xuyên phải điều chỉnh; tiến độ giải phóng mặt bằng còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công; vướng mắc về việc xác định nguồn đất đắp và vị trí đổ thải, nhất là đối với một số dự án có kế hoạch vốn lớn trong năm. Bên cạnh đó, việc phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương trong các bước thực hiện dự án, cấp quyền khai thác khoáng sản đối với đất san lấp, xử lý tài sản công chưa nhuần nhuyễn; tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm của một số chủ đầu tư.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh, Nguyễn Xuân Ký khẳng định, thời gian qua, tỉnh đã rất cố gắng trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành bằng các văn bản của Tỉnh ủy, HĐND, UBND trong việc nâng cao trách nhiệm của các cơ quan liên quan, nhất là đội ngũ cán bộ công chức trực tiếp thực thi nhiệm vụ đầu tư công theo quy định pháp luật. Đây cũng là những nội dung ràng buộc trách nhiệm rất chặt chẽ từ tỉnh tới cơ sở, các chủ đầu tư… được thể hiện rõ trong các văn bản của BCH Trung ương Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhận diện, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn chậm, chưa đạt mục tiêu đề ra, thậm chí là khó khăn hơn so với các năm trước. Công tác lập, báo cáo, đề xuất chủ trương đầu tư chất lượng còn thấp, còn chậm ảnh hưởng tới việc trình quyết định chủ trương đầu tư. Công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án, chất lượng hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi; giải phóng mặt bằng, vị trí đổ thải, đất san lấp xử lý tài sản công còn những khó khăn...
Nguyên nhân chính liên quan tới công tác phối hợp giữa một số cơ quan, đơn vị, địa phương trong giải quyết công việc có thời điểm, có việc chưa chặt chẽ, kịp thời, chưa làm hết trách nhiệm, chất lượng, hiệu quả còn hạn chế; có tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu quyết tâm, quyết liệt, sợ sai trong một số cán bộ, công chức, viên chức thực thi nhiệm vụ và người đứng đầu.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Chúng ta cần tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, thủ trưởng các sở, ngành, ban quản lý dự án; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các sở, ban, ngành, địa phương nhằm phát hiện, giải quyết kịp thời, hiệu quả những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện; thực hành phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí - “lợi ích nhóm”.
Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh cần sát sao hơn nữa, có khoa học; các chủ đầu tư, các cơ quan quản lý lập kế hoạch giải ngân chi tiết bảo đảm khối lượng cam kết và các quy định của pháp luật.
Trần Trang (Th)