Với quan điểm “Giao thông đi trước một bước”, đổi mới phương thức huy động, khơi thông, kết nối nguồn lực lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, tỉnh đã huy động nguồn lực lớn, tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược đồng bộ, hiện đại, bảo đảm liên thông tổng thể, thúc đẩy kết nối vùng, liên vùng, nội vùng. Đồng thời, tiếp tục thực hiện việc đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng tại khu vực cửa khẩu, lối mở trên địa bàn tỉnh, như: Nâng cấp QL18C (giai đoạn 2) kết nối từ cửa khẩu Bắc Phong Sinh đến TP Móng Cái; xây dựng cầu thay thế ngầm tràn tại cửa khẩu Hoành Mô, cửa khẩu Bắc Phong Sinh; xây dựng cầu phao tại lối mở biên giới Km3+4; cầu Bắc Luân 2; khởi công xây dựng cảng Vạn Ninh; khai thác tốt Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn...
Đặc biệt, ngày 01/09/2022, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái chính thức đưa vào khai thác, kết nối với cao tốc Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn, tạo thành chuỗi cao tốc dài nhất Việt Nam, rút ngắn thời gian di chuyển từ thủ đô Hà Nội tới Cửa khẩu quốc tế Móng Cái chỉ còn 3 giờ so với 6 giờ trước đây, đã đóng góp quan trọng vào phát triển liên vùng và giao thương giữa các nước ASEAN, được kỳ vọng rất lớn sẽ mang lại hiệu quả lớn về KT-XH.
Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ninh cũng chủ động đẩy mạnh công tác đối ngoại, tranh thủ quan hệ hữu nghị, thống nhất hợp tác công tác phòng, chống dịch Covid-19 hai bên, tạo mọi điều kiện về thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thông quan, khắc phục ùn ứ cục bộ, tại cửa khẩu, lối mở. Đến nay, 5/5 cửa khẩu, lối mở biên giới tỉnh Quảng Ninh thực hiện thông quan hàng hóa ổn định. Tính đến hết tháng 11/2022, tổng số phương tiện thông quan tại các cửa khẩu, lối mở đạt 95.370 lượt xe, trong đó xuất cảnh 48.086 lượt xe và nhập cảnh 47.302 lượt xe.
Cùng với đó, đầu tháng 12/2022, tại TP. Móng Cái, Sở Công Thương Quảng Ninh phối hợp với Vụ Thị trường Châu Á - Châu Phi, Bộ Công Thương, tổ chức hội nghị trực tuyến với Đại diện Tham tán thương mại, Chi nhánh Thương vụ tại Côn Minh, Quảng Châu, Nam Ninh, Quảng Tây, Thượng Hải, Bắc Kinh (Trung Quốc) về việc kết nối, hỗ trợ thông tin cho doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa nông sản, thủy sản sang thị trường Trung Quốc. Hội nghị là dịp trao đổi, gặp gỡ giữa đại diện Bộ Công Thương Việt Nam, Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc và các doanh nghiệp của Quảng Ninh nhằm mở ra nhiều cơ hội hợp tác trong tương lai với thị trường tiềm năng này.
Để tiếp tục khẳng định vai trò “cầu nối”, thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong cả nước thực hiện các hoạt động đầu tư và XNK qua địa bàn, tỉnh Quảng Ninh sẽ luôn đồng hành, xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp. Đồng thời, công khai, minh bạch các thủ tục hành chính; tiếp tục hoàn thiện hệ thống hạ tầng, nghiên cứu, định hướng và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước tìm kiếm cơ hội xuất khẩu hàng hóa, sản phẩm sang thị trường Trung Quốc.
Năm 2022, tổng kim ngạch XNK hàng hóa qua tỉnh Quảng Ninh ước đạt 14 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch XNK hàng hóa qua cửa khẩu, lối mở biên giới ước đạt 2,8 tỷ USD, cao hơn so với các tỉnh bạn trong tuyến biên giới đường bộ phía Bắc (tỉnh Lào Cai 1,8 tỷ USD và Lạng Sơn 2,3 tỷ USD).
TT