Thực hiện Đề án “Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và kiến thức, kỹ năng về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) đáp ứng yêu cầu tình hình mới” của Bộ Công an, ngày 20/2/2023 UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 43/KH-UBND, xác định rõ mục tiêu, phân công nhiệm vụ, giải pháp triển khai tới các đơn vị, địa phương. Trong đó tỉnh chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thực hiện lồng ghép kiến thức, kỹ năng PCCC&CNCH vào chương trình giảng dạy chính khóa, ngoại khóa từ bậc học mầm non đến đại học, cao đẳng, trung cấp.
Qua đó thanh thiếu niên có nhận thức đầy đủ, đúng đắn về tính chất nguy hiểm, tác hại, hậu quả của cháy nổ đối với cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội; nắm vững biện pháp, quy trình PCCC&CNCH cơ bản tại gia đình, trường học và cộng đồng. Từ đó các em phát huy tốt hơn vai trò, trách nhiệm trong PCCC, góp phần tích cực vào phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới.
Trên cơ sở chỉ đạo của UBND tỉnh và quán triệt của Sở GD&ĐT, trong năm học 2023-2024 các cơ sở giáo dục trong tỉnh phối hợp tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền, trang bị kiến thức an toàn PCCC cho học sinh và cán bộ, giáo viên. Với học sinh mầm non, hoạt động chủ yếu là thông qua giáo dục trực quan, với những hình ảnh minh họa để các em nhận biết nguy cơ, biết cách phòng tránh sự cố cháy, nổ tại trường học, gia đình, nơi công cộng.
Đối với học sinh tiểu học, THPT, GDTX, kiến thức PCCC được tuyên truyền lồng ghép trong các chương trình ngoại khóa, trải nghiệm, kết hợp chơi mà học... để giúp các em dễ dàng ghi nhớ và thực hiện.
Trung tuần tháng 3/2024, Trường THPT Ba Chẽ phối hợp tổ chức chương trình tuyên truyền, trải nghiệm, thực hành về PCCC&CNCH. Dưới sự hướng dẫn của các chiến sĩ Đội Cảnh sát PCCC&CNCH (Công an huyện Ba Chẽ), các em được trực tiếp tìm hiểu, sử dụng các trang thiết bị, phương tiện chữa cháy và cứu hộ thông dụng; thực hành một số hoạt động trong công tác chữa cháy, cứu hộ khi xảy ra sự cố cháy nổ; một số kỹ năng an toàn như: Các bước tạo tâm trạng bình tĩnh để xử lý, thoát hiểm khỏi đám cháy; nhận biết các dấu hiệu, nguy cơ xảy ra hỏa hoạn; gọi tới Tổng đài 114 hoặc dùng ứng dụng Báo cháy 114 trên điện thoại thông minh...
Các địa phương, đơn vị trong tỉnh triển khai hoạt động tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú, phù hợp với đặc thù từng địa bàn dân cư, như: Cung cấp tài liệu, tranh vẽ, clip; tổ chức hoạt động tham quan đơn vị cảnh sát PCCC&CNCH; buổi tuyên truyền miệng, hướng dẫn kiến thức, kỹ năng PCCC&CNCH; bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, giáo viên giảng dạy nội dung này trong nhà trường...
Công tác phòng cháy là vô cùng quan trọng, cần được quan tâm thường xuyên, liên tục. Qua đó người dân được đặt vào vị trí chủ thể, làm nòng cốt trong công tác PCCC ở cơ sở, tạo nên một thế trận nhân dân vững chắc.
Hiện nay toàn tỉnh có 17.612 cơ sở thuộc diện quản lý nhà nước về phòng cháy và chữa cháy; 1.352 cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ); 3.359 cơ sở do Cơ quan Công an quản lý; 14.251 cơ sở do UBND cấp xã quản lý.
Trong quý I năm 2024 trên địa bàn tỉnh xảy ra 30 vụ cháy (gồm 3 vụ cháy trung bình và 27 vụ cháy nhỏ); không để ra vụ cháy lớn, cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Các sự cố cháy nhỏ đều đã được lực lượng Cảnh sát PCCC phối hợp với các lực lượng PCCC tại chỗ dập tắt kịp thời, không gây hậu quả lớn.
Trần Trang (t/h)