Theo Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện sắp xếp có quy mô nhỏ về diện tích, dân số, không gian phát triển hạn chế, khó khăn trong công tác lập kế hoạch, quy hoạch dài hạn về phát triển kinh tế xã hội. Trong đó, sáp nhập xã Minh Cầm và xã Lương Mông (huyện Ba Chẽ); xã Cẩm Hải và xã Cộng Hòa (TP. Cẩm Phả); xã Tân Việt và xã Việt Dân, phường Đông Triều và phường Đức Chính (TX. Đông Triều); phường Hòa Lạc và phường Trần Phú (TP. Móng Cái). Theo phương án này, tỉnh Quảng Ninh sẽ giảm từ 177 xuống còn 172 xã, phường, thị trấn.

Quá trình rà soát, triển khai sắp xếp đơn vị hành chính, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Quảng Ninh đã bám sát các quy định hiện hành và Thông báo số 898-TB/TU ngày 28/04/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, chỉ đạo UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương có liên quan triển khai, đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung thống nhất của Đảng và tuân thủ pháp luật, phù hợp với quy hoạch tỉnh, quy hoạch của từng địa phương, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn được phê duyệt và tình hình thực tiễn của từng địa phương.

Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, kết luận cuộc họp.
Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, kết luận cuộc họp. Ảnh báo Quảng Ninh.

Đặc biệt, việc xây dựng phương án sắp xếp được thực hiện thận trọng, kỹ càng, bài bản từ dưới lên, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Theo đó đa số cử tri, nhân dân tin tưởng, đồng thuận với chủ trương và phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025, tỷ lệ đồng thuận cao, từ gần 70% đến trên 90%.

Trên cơ sở đề xuất của các địa phương, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo UBND tỉnh xây dựng phương án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính có đủ điều kiện thực hiện được ngay, mang lại sự phát triển mới cho địa phương, mang lại lợi ích cho nhân dân, tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh nhấn mạnh: Từ năm 2020, tỉnh Quảng Ninh quyết liệt thực hiện Nghị quyết số 837 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Quảng Ninh.

Trong quá trình thực hiện sáp nhập, Quảng Ninh đã thực hiện những bước đi bài bản, khoa học, quyết liệt với tinh thần làm đến đâu chắc đến đó, tạo sự đoàn kết thống nhất cao trong toàn Đảng bộ và hệ thống chính trị và tạo được sự đồng thuận của nhân dân. Chỉ sau gần bốn năm triển khai thực hiện đã đạt được những kết quả toàn diện về phát triển kinh tế. Chất lượng cuộc sống người dân được nâng lên.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh yêu cầu trên cơ sở bám sát các văn bản chỉ đạo, quy định của Trung ương, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương liên quan xây dựng, hoàn thiện phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn tỉnh.

Việc sắp xếp, tổ chức các đơn vị hành chính nhằm tổ chức lại không gian phát triển, tạo điều kiện để khai thác tối đa, hiệu quả các nguồn lực, nhất là về đất đai, tài nguyên thiên nhiên, văn hóa bản địa và nâng cao chất lượng cuộc sống, điều kiện phát triển kinh tế của người dân. Phương án sắp xếp phải được thực hiện đúng trình tự, thủ tục, đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung thống nhất của Đảng, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; thực hiện đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định tại Luật tổ chức chính quyền địa phương.

Quá trình thực hiện phải tạo được sự đồng thuận, thống nhất trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, phải lấy người dân làm trung tâm, đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết, trước hết; tổ chức lấy ý kiến cử tri trên địa bàn bảo đảm công khai, minh bạch và đúng quy định của pháp luật; không gây xáo trộn lớn, đảm bảo ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần mở rộng không gian phát triển, phát huy mọi nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân theo tiêu chí của “hạnh phúc”.

Gắn việc sắp xếp đơn vị hành chính với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; giảm chi ngân sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền cơ sở.

Trần Trang