Chiều 11/7, tại Phiên họp 35, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng kết Kỳ họp thứ 7 và cho ý kiến bước đầu chuẩn bị Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Toàn cảnh Phiên họp. Ảnh quochoi.vn.
Toàn cảnh Phiên họp. Ảnh quochoi.vn.

Về chuẩn bị kỳ họp thứ 8, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 11 dự án luật, cho ý kiến 12 dự án luật khác.

Trong trường hợp dự án Luật Điện lực sửa đổi được chuẩn bị tốt, đủ điều kiện thông qua theo quy trình tại một kỳ họp thì tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 12 dự án luật.

Do số lượng nội dung lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng tại Kỳ họp thứ 8 rất lớn, nhiều nội dung khó, phức tạp nên Tổng Thư ký Quốc hội đề xuất tiếp tục tổ chức Kỳ họp thứ 8 theo 2 đợt (với khoảng cách 9 ngày giữa 2 đợt họp) để có thời gian cho các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan hữu quan tiếp thu, giải trình các ý kiến của đại biểu Quốc hội, chỉnh lý, hoàn thiện các dự thảo luật, nghị quyết với chất lượng tốt nhất trước khi trình Quốc hội thông qua.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương điều hành nội dung thảo luận.
Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương điều hành nội dung thảo luận. Ảnh quochoi.vn.

Như vậy, dự kiến Quốc hội làm việc 24 ngày, khai mạc vào ngày 21/10/2024, bế mạc vào ngày 28/11/2024.

Phó thủ tướng Lê Thành Long tán thành việc tổ chức Kỳ họp thứ 8 thành 2 đợt, thống nhất với ý kiến của Chủ tịch Quốc hội là Ban Cán sự Đảng Chính phủ và đảng đoàn Quốc hội sẽ họp với nhau sớm hơn các Kỳ họp trước, trước khi khai mạc Kỳ họp thứ 8 khoảng 1 tháng.

Chính phủ đã thông qua 4 đề nghị bổ sung vào chương trình Kỳ họp 8. Dự kiến Chính phủ sẽ trình Quốc hội dự án luật sửa 1 số điều của các luật nhằm mục tiêu để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội. 

Minh Yên (t/h)