Đại biểu quốc hội (ĐBQH) Bùi Thị An cho rằng, để đạt mục tiêu tinh giản biên chế như đề án của Bộ Nội vụ, cần có sự vào cuộc giám sát của báo chí, đặc biệt là giám sát của Quốc hội.

Đại biểu quốc hội Bùi Thị An

Giám sát toàn diện

Bộ Nội vụ nêu con số tinh giản cụ thể là khoảng 100.000 người, là ĐBQH, bà có nhận xét gì?

Tôi thấy mọi người đang lo rằng mục tiêu giảm 100.000 biên chế khó đạt được. Lo nhất là giảm không đúng đối tượng, những người tốt, làm được việc nhưng không biết chạy chọt sẽ phải về còn người yếu kém, không tốt sẽ ở lại. Như vậy, phải có tiêu chí đánh giá minh bạch, rõ ràng để không biến tướng chủ trương đúng đắn này. Đánh giá công chức thì quan trọng nhất là kết quả thực hiện công việc, nếu cứ đánh giá chung chung, cảm tính sẽ không thể nào đạt yêu cầu.

Đối với một đề án lớn như thế này, phải có một cơ chế giám sát thật chính xác, hiệu quả. Chúng ta có thể giao cho một cơ quan đứng ra giám sát chặt chẽ việc thực hiện đề án đó. Bên cạnh đó, chính các cơ quan, đơn vị, các tổ chức chính trị xã hội, cộng đồng cũng phải được vào cuộc để giám sát. Đó là giám sát của nhân dân.

Cơ quan chủ trì đề án cũng phải thực hiện minh bạch, công khai. Ngoài mục tiêu giảm bao nhiêu biên chế, giảm ở đâu, phải minh bạch tiêu chí đánh giá, chỉ tiêu tinh giản ở mỗi cơ quan đơn vị cụ thể. Nếu không từ ý tưởng tốt ban đầu, cuối cùng vẫn không đạt được mà lại tạo ra sự lộn xộn, bất ổn trong bộ máy.

Lâu nay, vẫn có ý kiến e ngại nếu để các cơ quan đơn vị tự giám sát việc tinh giản biên chế sẽ có cái khó là “dao sắc không gọt được chuôi”?

Tôi đề nghị trong đề án phải nêu rõ biện pháp, trong đó có biện pháp giám sát. Thêm nữa, sau khi có đề án rồi, thì cần xác định cơ chế giám sát đó như thế nào cho hiệu quả. Ở đây không phải giám sát chung chung mà là giám sát từ cơ sở lên tới trung ương. Thậm chí, lần này Quốc hội phải vào cuộc để giám sát tối cao từ nội dung đề án cho đến các bước thực hiện sao cho nghiêm túc, hiệu quả. Phải thật sự công khai. Công khai cũng có nghĩa là minh bạch, hãy đặt rõ ràng mọi chuyện trước công luận thì việc giảm ai, giảm có đúng không sẽ rất công bằng, sẽ chống được tiêu cực trong việc chạy chọt để ở lại, hay việc trù úm đối với người tốt.

Ý kiến dư luận và ĐBQH cho rằng, lâu nay nền công vụ của ta chưa đề cao được trách nhiệm cá nhân, một chủ trương nêu ra ban đầu rất hay nhưng nếu không thực hiện được cũng không thấy ai phải chịu trách nhiệm gì?

Đúng vậy đấy. Không thể để chủ trương ra rồi, nói giảm rồi nhưng cuối cùng không những không giảm mà còn tăng lên, trách nhiệm thì đâu lại vào đó. Chúng ta đã có những bài học trước đây, cứ nói giảm biên chế rồi sau đó biên chế vẫn tăng lên, phình to hơn. Ở tất cả các ngành, các lĩnh vực đều tăng, chỗ nào cũng thấy đứng lên kêu còn thiếu biên chế. Vậy nguyên nhân, trách nhiệm do đâu, chúng ta phải làm rõ.

Nếu sau khi thực hiện đề án này mà lĩnh vực, bộ, ngành, địa phương nào không giảm mà lại đẻ thêm bộ máy, biên chế thì xử lý trách nhiệm ra sao?

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm. Chúng tôi cho rằng, phải đưa ra hình thức kỷ luật, chẳng hạn ngành, địa phương của anh không giảm được mà còn tăng thì phải có hình thức xử lý nghiêm. Bây giờ đây, người đứng đầu phải cam kết về trách nhiệm lĩnh vực của mình phụ trách, để sau này sẽ quy trách nhiệm cụ thể. Cam kết đó phải đàng hoàng, công khai để nhân dân, cử tri và Quốc hội giám sát. Nếu chúng ta tăng cường giám sát ngay từ đầu, để báo chí vào cuộc mạnh mẽ, chắc chắn việc thực hiện đề án sẽ có tác dụng tích cực.

Cảm ơn bà.

Theo TP