Tuy nhiên, PMI đã suy giảm trong tháng Ba về 51,6 điểm, thể hiện tốc độ mở rộng chậm đi ở khu vực sản xuất. PMI đã trải qua chuỗi mở rộng 28 tháng liên tiếp (hơn 50 điểm), vẫn cho thấy tín hiệu tích cực của triển vọng kinh doanh trong khu vực sản xuất.
Khảo sát về xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến chế tạo do Tổng cục Thống kê thực hiện cho thấy sự lạc quan của doanh nghiệp có phần giảm đi trong Quý 1.
Về tình hình hoạt động, số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng Một tương đương với cuối năm ngoái (10.839 so với 10.814), trước khi giảm mạnh trong tháng Hai và Ba với chỉ 7.864 và 8.082 doanh nghiệp thành lập mới.
Tính chung cả quý, số lượng doanh nghiệp thành lập mới cũng không chênh lệch nhiều với Quý 1 năm ngoái (26.785 so với 26.478 doanh nghiệp). Tổng số vốn đăng ký là 278,5 nghìn tỷ đồng, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2017. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 10,4 tỷ đồng, tăng 1,5% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, tháng Một chứng kiến lượng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động nhiều nhất trong hơn hai năm qua với 13.300 doanh nghiệp, cao hơn cả tháng Một năm ngoái (13.289 doanh nghiệp). Quý 1 có tổng số 21.115 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động.
Quy mô việc làm tạo mới trong Quý 1 không cao tương ứng với mức tăng trưởng cao của nền kinh tế so với năm trước. Cụ thể, tính chung cả Quý 1, có 225,4 nghìn việc làm mới được tạo thêm, trong khi cùng thời điểm này năm 2017 nền kinh tế thậm chí tạo thêm 291,6 nghìn việc làm.
Xét theo thành phần, tăng trưởng lao động ở khu vực nhà nước tiếp tục giảm 1,2%, trong khi ở khu vực ngoài Nhà nước và khu vực FDI đều ghi nhận mức tăng lần lượt là 3,9% và 4,5%. Hiện tượng số việc làm mới tạo ra ít hơn, trong khi tăng trưởng vẫn cao, một lần nữa đặt ra câu hỏi về chất lượng tăng trưởng và sức mạnh thực chất của khu vực nội địa.
Bảo Khánh