Tình trạng nợ đọng BHXH tràn lan của DN đang khiến quỹ BHXH bị thâm hụt nặng nề. Thực trạng này đã được Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền chỉ ra rằng: Hiện nay, mức phạt chậm đóng BHXH chỉ chiếm 10%, nhưng nếu vay bên ngoài, lãi suất lên đến 15 -20%/năm. Vì vậy, DN chấp nhận nợ BHXH để có vốn quay vòng.


Tình trạng đáng báo động

Tính đến thời điểm này, nợ đọng quỹ BHXH của các DN đã lên đến 8.000 tỷ đồng. Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) khuyến cáo, Quỹ BHXH Việt Nam có thể bắt đầu thâm hụt từ năm 2021 và hoàn toàn cạn kiệt năm 2034 nếu không có thay đổi kịp thời về mặt chính sách.

Theo nhận định của các chuyên gia ngành lao động, nguyên nhân dẫn tới tình trạng gia tăng nợ đọng BHXH của DN là do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, hàng nghìn DN phá sản hoặc thu hẹp sản xuất. Tại các địa phương như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Bình, Đồng Nai… số lượng DN nợ BHXH đều tăng đột biến.

Song, điều đáng nói ở đây là, rất nhiều DN vẫn phát triển ổn định, làm ăn có lãi, nhưng vẫn cố tình chây ỳ, không nộp bảo hiểm, hoặc vẫn khấu trừ tiền bảo hiểm vào lương hàng tháng của người lao động, nhưng không nộp cho cơ quan bảo hiểm nhằm thu lợi về mình. Bằng cách làm thiếu minh bạch này, đối với những DN có số người lao động lên tới hàng nghìn, thì số tiền BHXH mà DN chiếm dụng được có thể lên tới nhiều tỷ đồng. Nhiều trường hợp người lao động thai sản, ốm đau điều trị không được thanh toán mà ngay cả những người đến tuổi nghỉ hưu cũng không được hưởng chế độ do đơn vị sử dụng nợ BHXH.

Ông Phan Văn Mậu, Phó thanh tra Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cho rằng: Hiện nay, mức phạt BHXH, BHYT quá thấp, mỗi DN nợ BHXH hàng tỷ đồng, trong khi mức phạt tối đa chỉ 30 triệu đồng. Do vậy, nhiều DN sẵn sàng nộp phạt. Thực tế, có những DN đã bị phạt hành chính nhưng một thời gian sau quay lại kiểm tra vẫn tiếp tục nợ đọng, vi phạm pháp luật BHXH.

Chế tài mới: Có đủ răn đe?

Trong chương trình Dân hỏi Bộ trưởng trả lời mới đây, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền khẳng định sẽ phải mạnh tay hơn trong việc xử lý thực trạng nợ đọng BHXH của DN.

Cụ thể, theo Bộ trưởng, có 3 hướng để xử lý với từng loại vi phạm của DN. Đối với các đơn vị quá khó khăn thì cần xem xét, có biện pháp hỗ trợ, cho phép DN chậm trả. Đối với những DN vẫn có khả năng đóng BHXH nhưng chây ỳ vì so sánh mức lãi suất ngân hàng cao hơn so với mức phạt, trường hợp này phải nâng mức phạt cao hơn hiện tại. Còn đối với những DN đã thu của người lao động nhưng lại chậm trả, theo Bộ trưởng Chuyền, cần phải xử lý nghiêm, thậm chí khép vào là một trong những tội của Bộ luật Hình sự.

Mới đây, Chính phủ đã ký quyết định ban hành Nghị định 95 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Theo đó, người sử dụng lao động sẽ bị phạt tiền với mức từ 12 - 15% tổng số tiền phải đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng đối với các hành vi: chậm đóng BHXH bắt buộc, BHTN; đóng BHXH bắt buộc, BHTN không đúng mức quy định; đóng BHXH, BHTN không đủ số người thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, BHTN.

Tuy nhiên, theo ông Mai Đức Chính, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, các biện pháp xử phạt hành vi vi phạm pháp luật BHXH chưa đủ sức răn đe, thiếu tính nghiêm minh và kịp thời. Một trong những bất cập của Luật BHXH đó là không có quy định xử lý hình sự đối với những trường hợp chây ỳ, nợ đọng BHXH kéo dài. “Ngay cả khi thắng kiện thì cũng không giải quyết được hoàn toàn vụ việc do chủ DN có thời gian bỏ trốn, không đủ khả năng trả nợ cho BHXH, nợ lương công nhân, nợ mới phát sinh. Cuối cùng, người lao động vẫn chịu thiệt thòi nhất”, ông Chính nói.

Nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại về mức xử phạt vi phạm chậm đóng BHXH của Nghị định 95 vẫn là quá thấp so với mức độ vi phạm của DN. Bà Trần Thị Thúy Nga, Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH) kiến nghị, cần đưa hành vi cố tình nợ BHXH của chủ DN là hành vi cấu thành tội phạm hình sự, nâng mức xử phạt hành chính tương ứng số tiền nợ BHXH. Đồng thời, tăng cường thanh kiểm tra việc ký kết hợp đồng lao động và đóng BHXH cho NLĐ ở các DN.

"Cải cách BHXH giống như việc chèo lái một con thuyền lớn, thuyền trưởng không thể chờ đến phút cuối mới hành động. Con thuyền đó phải được xoay chuyển trước khi tiến đến quá sát chướng ngại vật, nhưng đáng quan ngại là báo cáo của ILO cho thấy chướng ngại vật đó đang ở rất gần", ông Gyorgy Sziraczki, giám đốc ILO Việt Nam cho biết.

Hoàng Hà