Theo Điều 68 Luật Đường bộ 2024 quy định hàng hóa ký gửi theo xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách gồm những nội dung cụ thể dưới đây:
1. Hàng hóa ký gửi theo xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách
Hàng hóa ký gửi được hiểu là những hàng hóa được gửi theo xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách mà người gửi hàng hóa không đi cùng trên chuyến xe. Theo đó, hàng hóa ký gửi được thực hiện theo thỏa thuận giữa người kinh doanh vận tải và người gửi hàng hóa.
Quy định về hàng hóa ký gửi theo xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách (Ảnh minh họa – Nguồn từ Internet)
2. Yêu cầu đối với hàng hóa ký gửi
Hàng hóa ký gửi chỉ được nhận vận tải nếu đáp ứng những yêu cầu sau đây:
- Có kích thước và trọng lượng phù hợp với phương tiện.
- Không thuộc hàng hóa cấm lưu thông, hàng hóa nguy hiểm, động vật hoang dã, hàng có mùi hôi thối, động vật, hàng hóa khác có ảnh hưởng đến sức khỏe của hành khách, môi trường.
3. Trách nhiệm các bên đối với hàng hóa ký gửi theo xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách
(i) Đối với người gửi hàng hóa
Người có hàng hóa ký gửi phải lập tờ khai gửi hàng hóa, trong đó kê khai tên, số lượng, khối lượng hàng hóa; tên, địa chỉ, số định danh cá nhân của người gửi và người nhận hàng hóa.
(ii) Đối với người nhận hàng hóa
Người nhận hàng hóa ký gửi phải xuất trình giấy tờ tùy thân khi nhận hàng.
(iii) Đối với đơn vị kinh doanh vận tải
Đơn vị kinh doanh vận tải có trách nhiệm kiểm tra hàng hóa ký gửi theo tờ khai gửi hàng hóa và xác nhận vào tờ khai gửi hàng hóa.
Lưu ý: Tờ khai gửi hàng hóa được lập thành 02 bản, mỗi bên giữ một bản.
4. Bồi thường thiệt hại hàng hóa ký gửi
(i) Việc bồi thường thiệt hại hàng hóa ký gửi thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan, trừ trường hợp quy định tại khoản (ii) Mục này.
(ii) Đơn vị kinh doanh vận tải được miễn bồi thường thiệt hại hàng hóa ký gửi trong các trường hợp sau đây:
- Do đặc tính tự nhiên hoặc khuyết tật vốn có của hàng hóa ký gửi hoặc hao hụt ở mức cho phép.
- Do việc bắt giữ hoặc cưỡng chế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với hàng hóa ký gửi.
- Do nguyên nhân bất khả kháng.
- Do lỗi của người thuê vận tải, người áp tải hàng hóa của người thuê vận tải hoặc người nhận hàng hóa.
>> Quý khách hàng xem thêm: Kinh doanh dịch vụ đại lý vận tải hàng hóa
5. Nguyên tắc hoạt động đường bộ
Nguyên tắc hoạt động đường bộ được quy định tại Điều 3 Luật Đường bộ 2024 như sau:
Điều 3. Nguyên tắc hoạt động đường bộ
1. Bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn, kết nối đồng bộ, hiệu quả, thân thiện với môi trường, phục vụ nhu cầu vận tải hàng hóa và đi lại thuận tiện của người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, hội nhập quốc tế.
2. Phát triển đường bộ theo quy hoạch; sử dụng hiệu quả các nguồn lực; kết nối phương thức vận tải đường bộ với các phương thức vận tải khác; tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, bảo đảm văn minh, hiện đại và đồng bộ.
3. Thực hiện thống nhất trên cơ sở phân công, phân cấp trách nhiệm, quyền hạn cụ thể, đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành và chính quyền địa phương các cấp.
4. Mọi hành vi vi phạm pháp luật về hoạt động đường bộ phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật.
H. Thủy (Nguồn: https://thuvienphapluat.vn/)