Trong Văn bản gửi Bộ Công Thương, EVN cho biết, đã nghiên cứu, đề xuất các giải pháp cụ thể, thiết thực, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành để kịp thời chỉ đạo, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để có thể đảm bảo cung ứng đủ điện, an toàn, ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới.

Trong đó, EVN đề xuất kiến nghị một số cơ chế lớn như: Giao các Tập đoàn kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo về năng lượng, trong đó giao EVN tiếp tục giữ vai trò chính trong việc đảm bảo cung cấp điện ổn định, an toàn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và sớm giao đầu tư các dự án nguồn điện trọng điểm quốc gia, nguồn điện đa mục tiêu,… để EVN có đủ thời gian chuẩn bị và thực hiện, tăng tỷ lệ nguồn điện của EVN để đảm bảo vai trò, nhiệm vụ được giao.

EVN đề nghị, lựa chọn các chủ đầu tư lớn có năng lực tài chính và kỹ thuật đầu tư cơ sở hạ tầng LNG, đồng thời có cơ chế hợp đồng dài hạn đối với nhiên liệu LNG để có thể phát triển đồng bộ nguồn nhiên liệu sơ cấp và các nhà máy điện sử dụng LNG.

Với đặc thù độc quyền truyền tải tự nhiên, thời gian xây dựng kéo dài, đề nghị giao EVN/NPT đầu tư các công trình lưới điện truyền tải đường trục, xương sống đảm bảo an toàn, an ninh truyền tải điện quốc gia (các danh mục này cần ghi rõ trong phụ lục quyết định phê duyệt để EVN/NPT có đủ thời gian chuẩn bị và thực hiện).

EVN đề xuất tiếp tục giữ vai trò chính trong việc đảm bảo cung cấp điện
EVN đề xuất tiếp tục giữ vai trò chính trong việc đảm bảo cung cấp điện

Đồng thời, EVN kiến nghị một số cơ chế chính sách cần đưa vào quyết định phê duyệt Quy hoạch điện VIII của Thủ tướng chính phủ, cụ thể:

Về cơ chế chuyển tiếp, để đảm bảo cung ứng điện giai đoạn 2021 - 2025, các chủ đầu tư tiếp tục thực hiện các dự án đang triển khai như đã được giao theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh; Các dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng các công trình hiện hữu - chủ sở hữu thực hiện; Về cơ chế điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, cần có quy định thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch theo hướng phân cấp để đảm bảo việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch vừa đảm bảo tính kiểm soát của cấp có thẩm quyền vừa hiệu quả cho đơn vị có nhu cầu điều chỉnh/bổ sung (về thời gian và chi phí thực hiện); Đưa vào Quyết định phê duyệt Quy hoạch điện VIII một số cơ chế để đầu tư các dự án điện như công tác CBĐT, thu xếp vốn, đền bù GPMB, … tăng tính khả thi thực hiện, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong giai đoạn vừa qua.

Ngoài ra, về nhu cầu phụ tải và cơ cấu phát triển của nguồn điện, EVN cũng đề nghị xem xét cơ cấu nguồn - phụ tải - lưới điện truyền tải, liên kết với lưới điện khu vực hợp lý, đảm bảo tính khả thi khi triển khai thực hiện cũng như an toàn cung cấp điện và an ninh năng lượng. Rút kinh nghiệm từ bài học vừa xảy ra với lưới điện Texas (Mỹ) (hệ thống điện Việt Nam năm 2030 sẽ tương đương đương Texas hiện tại) khi hệ thống điện phụ thuộc vào một/một nhóm loại hình nguồn nhất định (nhiên liệu khí đối với Texas) và không có liên kết với lưới điện khu vực để tăng tính dự phòng.

Về danh mục các công trình nguồn điện, EVN kiến nghị, để đảm bảo an ninh cung cấp điện, bên cạnh việc khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư thì trong Quy hoạch điện VIII cần đề xuất các dự án nguồn điện đa mục tiêu, các dự án trọng điểm quốc gia để giao cho các Tập đoàn kinh tế nhà nước (trọng tâm là EVN) thực hiện. Trong đó, đề nghị bổ sung, hiệu chỉnh một số dự án do EVN và các đơn vị đang nghiên cứu triển khai vào danh mục các dự án nguồn điện, gồm: Hiệu chỉnh vị trí NMĐ Quỳnh Lập I (2x600MW); Bổ sung NĐ Dung Quất IV (dự kiến sử dụng khí LNG hoặc Cá Voi Xanh để đảm bảo tính linh hoạt về nhiên liệu sơ cấp; NĐ Ô Môn V; NĐ Phả Lại III; NĐ Long Sơn II và III; NĐ Bà Rịa II.

Bùi Quyền