Tiếp tục chương trình làm việc tại Phiên họp 32, sáng 22/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị trình bày tờ trình
Thừa ủy quyền của Thủ tướng, trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa diễn ra càng nhanh thì công tác quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng càng đóng vai trò quan trọng, công tác quy hoạch luôn phải đi trước một bước để hoạch định phát triển đô thị và nông thôn của mỗi địa phương, đảm bảo sự phát triển thống nhất, hợp lý, hiệu quả.
Tính đến tháng 12/2023, tổng số đô thị cả nước là 902 đô thị, bao gồm: 2 đô thị loại đặc biệt, 22 đô thị loại I, 35 đô thị loại II, 46 đô thị loại III, 94 đô thị loại IV, 703 đô thị loại V. Tỷ lệ đô thị hóa ước đạt 42,6%.
100% thành phố, thị xã, thị trấn đã có quy hoạch chung được duyệt; quy hoạch phân khu tại đô thị đặc biệt và đô thị loại 1 ước tính khoảng đạt khoảng 79%, tại đô thị còn lại ước tính khoảng 55% so với đất xây dựng đô thị.
Cũng theo ông Nguyễn Thanh Nghị, đô thị hóa là quá trình tất yếu, là một động lực quan trọng cho phát triển kinh tế xã hội nhanh và bền vững trong thời gian tới. Việc kết hợp hài hòa quá trình đô thị hóa, phát triển đô thị với công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ giữa đô thị và khu vực nông thôn trong tiến trình đô thị hóa là hết sức cần thiết.
“Do đó, công tác quy hoạch đô thị và nông thôn cần có tư duy đổi mới và cần được quy định thống nhất trong cùng một luật để đảm bảo đồng bộ, hiệu quả, dễ triển khai áp dụng trong thực tiễn”, theo ông Nguyễn Thanh Nghị.
Chính phủ khẳng định, việc ban hành Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn là hết sức cần thiết, nhằm thể chế hóa định hướng lãnh đạo của Đảng đối với công tác quy hoạch đô thị, nông thôn; công tác quy hoạch có tư duy đổi mới và tầm nhìn chiến lược, phát huy được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của địa phương, của tỉnh, của vùng.
Luật được ban hành sẽ làm công cụ pháp lý có hiệu lực, hiệu quả cao, đồng bộ, thống nhất, điều chỉnh toàn diện các hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế; đồng thời thống nhất quy định pháp luật về quy hoạch tại khu vực đô thị và nông thôn trong một bộ luật, tạo thuận lợi trong tổ chức triển khai thực hiện và quản lý hiệu quả.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh: Xóa bỏ tư duy nhiệm kỳ, lợi ích nhóm
Thẩm tra sơ bộ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhất trí sự cần thiết ban hành luật này. Việc hợp nhất các quy định về quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn vào một luật là phù hợp, hướng tới bảo đảm thống nhất về định hướng chung trong kiểm soát, quản lý, phát triển đô thị và nông thôn, phát triển hài hòa và gắn kết giữa không gian đô thị và nông thôn, bổ trợ cho sự phát triển chung của địa phương, vùng và cả nước.
Về định hướng nội dung xây dựng luật, Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh sự bảo đảm quy hoạch đô thị phải có tầm nhìn phù hợp, có tính chiến lược, tôn trọng quy luật thị trường và nguyên tắc phát triển bền vững.
“Quy hoạch đô thị và phát triển kết cấu hạ tầng các đô thị phải đi trước một bước và tạo ra nguồn lực chủ yếu cho phát triển đô thị; gắn với mô hình phát triển đô thị, thể hiện được đặc thù của những mô hình đô thị mới”, theo ông Vũ Hồng Thanh.
Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị làm rõ mối quan hệ giữa các loại quy hoạch trong hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn, mối quan hệ của các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn với các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia và các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành.
Phân định rõ vị trí, vai trò của các loại quy hoạch, các cấp độ quy hoạch, bảo đảm sự liên kết, khớp nối, tránh chồng chéo, trùng lặp, mâu thuẫn về nội dung giữa các quy hoạch, gây lãng phí nguồn lực, khó khăn cho công tác quản lý, tạo rào cản đối với các hoạt động kinh tế - xã hội của người dân và doanh nghiệp;
“Kiên quyết xóa bỏ tư duy nhiệm kỳ, cơ chế “xin - cho”, “lợi ích nhóm” trong xây dựng, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, dẫn đến tình trạng dự án “treo”, chậm triển khai thực hiện trên thực tế”, ông Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.
Cùng với đó rà soát các quy định cụ thể về nội dung các loại quy hoạch, các cấp độ quy định theo hướng: đối với quy hoạch chung cần bảo đảm tính “động”, mở, định hướng, thay vì “cứng nhắc”, bó hẹp không gian phát triển của đô thị và nông thôn; đối với quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết cần bảo đảm tính cụ thể, hợp lý, khả thi, thuận lợi cho quá trình tổ chức thực hiện...
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Làm rõ mối quan hệ giữa đô thị hóa và xây dựng nông thôn mới
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, làm rõ mối quan hệ giữa đô thị hóa và xây dựng nông thôn mới. Ông nêu thực tế một số đơn vị cấp huyện chưa hoàn thành nông thôn mới, khi quy hoạch lên quận sẽ dễ hơn những nơi đã hoàn thành việc này.
“Xã nào sẽ lên phường, huyện nào sẽ lên quận thì nguyên tắc, tiêu chí, định hướng quy hoạch thế nào để triển khai sau này” - Chủ tịch Quốc hội nói và đề nghị cần rà soát quy định trong luật này.
Ngoài ra, người đứng đầu Quốc hội cũng lưu ý mối quan hệ giữa đô thị hóa và phát triển kinh tế đô thị. Theo ông, nếu chỉ nói đến đô thị mà không đề cập đến kinh tế đô thị sẽ rất khó quản lý, phát triển đô thị bền vững.
“Phần nào nằm trong luật này, phần nào nằm trong Luật Quản lý phát triển đô thị, đề nghị rà soát làm rõ hơn” - ông Huệ nói.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng cho rằng tiêu chí, tiêu chuẩn về quy hoạch đô thị cần gắn với mật độ dân số và kết cấu hạ tầng, nhằm tính toán cân bằng giữa phát triển đô thị theo chiều rộng và phát triển đô thị nén theo mô hình TOD - tức phát triển đô thị lấy giao thông công cộng làm trung tâm.
“Liên quan chiều cao công trình, tôi thấy tranh luận nhau rất nhiều lần nhưng không rõ chỗ này. Khi chúng tôi làm việc với Bộ Xây dựng nhiệm kỳ trước mới ngộ ra một điều, chiều cao của công trình chỉ do vấn đề an ninh, an toàn bay thôi chứ không ai cấm xây nhà cao tầng trong nội đô cả” - theo ông Huệ.
Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề cần xử lý kết cấu hạ tầng với chiều cao công trình như thế nào? Trong thực tế, Bộ Xây dựng cũng không quy định vấn đề chiều cao công trình.
Nhắc đến phạm vi quy hoạch, ông Vương Đình Huệ dẫn chứng quận Hoàn Kiếm, phạm vi quy hoạch chỉ có 5km2, nếu xét theo tiêu chí, tiêu chuẩn về dân số sẽ phải rút ra rất nhiều dân.
“Nhưng sau đó, chúng ta thay đổi tư duy. Chúng tôi đề xuất lấy cả 4 quận nội thành cũ, gồm Hoàn Kiếm, Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng, thành một tổng thể quy hoạch để cân đối. Có như vậy mới giải quyết được bài toán vấn đề dân số và hạ tầng” - ông Huệ cho biết.
Từ những thực tế trên, ông cho rằng tiêu chuẩn, tiêu chí về mật độ dân số, chiều cao công trình nên để cho tư vấn quy hoạch đề xuất trên cơ sở quy hoạch tổng thể, không nên quy định cứng nhắc về chuyện này.
Dẫn chứng Hong Kong hay Singapore có rất nhiều cao ốc chọc trời, Chủ tịch Quốc hội nói khi làm ở cơ sở, mô hình đô thị nén TOD rất vướng, nhưng sau đó Bộ Xây dựng “tháo gỡ hết”.
Một lần nữa, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh tiêu chí thiết yếu trong xây dựng quy hoạch đô thị và nông thôn nên để tư vấn nghiên cứu đề xuất trên cơ sở thực tế của từng địa phương, để nâng cao hiệu quả kinh tế, hiệu quả sử dụng đất, giảm chi phí kết cấu hạ tầng, giảm phát thải…
PV (lược thuật)