Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ, nguồn internet.

Theo Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 153/QĐ-TTg, ngày 27/02/2023, ngoài 8 khu công nghiệp đã có trong quy hoạch, tỉnh Thanh Hóa quy hoạch thêm 9 khu công nghiệp mới, trong đó có Khu Công nghiệp Phú Quý, huyện Hoằng Hóa.

Khu Công nghiệp Phú Quý, huyện Hoằng Hóa là khu vực tiếp giáp với TP. Thanh Hóa, có kết nối giao thông với các khu vực khác trong và ngoài tỉnh hết sức thuận tiện; có quỹ đất bằng phẳng, rộng lớn, thuận lợi cho xây dựng; có nguồn lao động dồi dào; là khu vực có tiềm năng phát triển công nghiệp, đặc biệt các loại hình công nghiệp nhẹ, công nghiệp công nghệ cao.

Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa cho hay, đã công bố các nội dung chính của của Quy hoạch chung xây dựng Khu Công nghiệp Phú Quý. Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu Công nghiệp Phú Quý, huyện Hoằng Hóa được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3087/QĐ-UBND, ngày 31/08/2023. Phạm vi ranh giới quy hoạch thuộc một phần địa bàn quản lý hành chính các xã: Hoằng Kim (27,17 ha); Hoằng Trinh (16,40 ha); Hoằng Sơn (13,80 ha); Hoằng Quý (219,23 ha); Hoằng Xuyên (128,70 ha); Hoằng Cát (48,50 ha) và Hoằng Quỳ (86,20 ha). Thời hạn quy hoạch đến năm 2040. Tổng diện tích nghiên cứu quy hoạch là 733,11 ha; tổng diện tích lập quy hoạch là 540 ha.

Theo Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa, Khu công nghiệp Phú Quý là khu công nghiệp đa ngành, trong đó ưu tiên công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến chế tạo, cơ khí, ô tô, công nghiệp dược, công nghiệp thực phẩm. Quy mô lao động trong khu công nghiệp dự báo khoảng 36.000 đến 58.500 người.

Tổng diện tích đất lập quy hoạch là 540 ha, trong đó đất xây dựng xí nghiệp 393,31 ha (chiếm 72,84%); đất hạ tầng kỹ thuật có diện tích 11,40 ha (chiếm 2,11%); đất hành chính - dịch vụ có diện tích 3,18 ha (chiếm 0,59%). Ngoài ra, đất cây xanh - mặt nước chiếm 14,13%; đất giao thông chiếm 10,34%.

Tỉnh Thanh Hóa sẽ ưu tiên phát triển Khu công nghiệp Phú Quý công nghiệp công nghệ cao, dự kiến phát triển kết hợp giữa 02 mô hình. Mô hình định hướng, phát triển theo định hướng quy hoạch và phân khu chức năng, trong đó phân các khu đất sản xuất thành các lô theo các module đa dạng, thích hợp với nhiều loại hình đầu tư: Loại nhỏ (dưới 5 ha), loại vừa (5-15 ha), loại lớn (trên 15 ha), một số lô đất lớn đặc biệt.

Mô hình mỏ neo, phát triển theo từng cụm, mỗi cụm được hình thành khi thu hút được các nhà sản xuất, đặc biệt có vai trò mỏ neo, kéo theo các cơ sở sản xuất tương tự và các nhà sản xuất tạo thành chuỗi giá trị sản phẩm.

Lê Nam (t/h)