Tuân thủ, linh hoạt và đồng bộ trong thực hiện 

Kiên Giang là một trong 28 tỉnh, thành phố ven biển của cả nước, với tiềm năng, thế mạnh về phát triển kinh tế biển, đảo. Là tỉnh có địa bàn rộng cả về quy mô diện tích đất liền và không gian biển nên vấn đề quy hoạch có vai trò và vị trí rất quan trọng trong việc quản lý lãnh thổ, ngành, lĩnh vực.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang  Đỗ Thanh Bình nhận định:

“Quy hoạch tỉnh Kiên Giang được phê duyệt là kết thúc của giai đoạn lập quy hoạch, nhưng là sự khởi đầu cho giai đoạn mới - giai đoạn tổ chức thực hiện quy hoạch, với yêu cầu chặt chẽ, khoa học nhưng cũng cần linh hoạt, phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng và các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành khác”.

185552Untitled-1-2

Khu lấn biển TP. Rạch Giá nhìn từ trên cao (Ảnh: TRUNG HIẾU)

Cùng nhận định, chỉ đạo việc triển khai thực hiện quy hoạch và xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị Kiên Giang lưu ý thực hiện 6 chữ “tuân thủ, linh hoạt và đồng bộ”.

Phó thủ tướng Trần Lưu Quang cho rằng, quy hoạch được phê duyệt là định hướng và cơ sở để thực hiện, tuy nhiên tỉnh cần tuân thủ, đồng thời linh hoạt trong triển khai thực hiện quy hoạch. Cùng với quy hoạch tỉnh, Kiên Giang phải xây dựng hệ thống quy hoạch các ngành, địa phương đồng bộ với quy hoạch tỉnh và phải đồng bộ với quy hoạch vùng.

Theo quy hoạch, TP. Rạch Giá và TP. Phú Quốc là đô thị hạt nhân và đô thị động lực tăng trưởng của tỉnh với tác động lan tỏa đến các vùng nội tỉnh. TP. Hà Tiên đóng vai trò là động lực tăng trưởng phía tây của tỉnh, với lợi thế kinh tế biên mậu, tài nguyên thiên nhiên và văn hóa - di sản đóng vai trò cốt lõi và tạo đột phá phát triển. TP. Rạch Giá kết nối thông suốt với hai cực tăng trưởng Phú Quốc và Hà Tiên, hình thành tam giác phát triển chính của nền kinh tế thương mại, dịch vụ hướng biển.

Về lâu dài, kinh tế Kiên Giang sẽ phát triển bền vững hơn khi thu hút đầu tư các dự án, ngành và sản phẩm có hàm lượng khoa học, kỹ thuật cao. Kiên Giang đảm bảo thực hiện cải thiện chỉ số PCI nhằm nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Đồng thời, tăng trưởng kinh tế tỉnh có sự đóng góp mạnh mẽ từ các cụm ngành có lợi thế như du lịch, thương mại, dịch vụ hậu cần, nông nghiệp xanh và công nghiệp công nghệ cao, từ đó đưa Kiên Giang trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp và người lao động trong nhiều lĩnh vực.

185112Untitled-3-2

Khu lấn biển TP. Hà Tiên (Ảnh: TRUNG HIẾU)

Trong định hướng phát triển của vùng đồng bằng sông Cửu Long, hướng đến mục tiêu phát triển Kiên Giang thành trung tâm kinh tế biển của quốc gia; phát triển Phú Quốc thành trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái biển mạnh mang tầm quốc tế.

Đặc biệt, du lịch Kiên Giang đóng vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn, là khu vực trọng điểm trong khâu đột phá phát triển du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long, đưa Kiên Giang trở thành điểm đến hấp dẫn, hình thành các trung tâm thương mại lớn và nâng cao vị thế của tỉnh trong khu vực ASEAN.

185652Untitled-2-2

Một góc TP. Rạch Giá nhìn từ hướng biển (Ảnh: TÂY HỒ)

Gỡ điểm nghẽn giao thông, hướng ra biển tây 

Định hướng triển khai thực hiện quy hoạch, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang cho rằng nền kinh tế của Kiên Giang là nền kinh tế đa dạng về ngành, nghề và lĩnh vực. Đặc biệt, tỉnh có thế mạnh về phát triển kinh tế biển. Về du lịch, Kiên Giang có Phú Quốc là một hòn đảo rất đặc biệt. Về sản xuất nông nghiệp, Kiên Giang đứng đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long và cả nước về diện tích, sản lượng lúa và cả đội tàu khai thác và sản lượng khai thác hải sản.

Tuy nhiên, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang cho rằng, Kiên Giang có trở ngại rất lớn là về hạ tầng giao thông, vì vậy tỉnh cần chú trọng xây dựng hạ tầng giao thông, phát huy lợi thế hệ thống sông ngòi để phát triển mạnh mẽ giao thông thủy và tiếp tục nghiên cứu, tính toán phát triển các dự án lấn biển…

Về quy hoạch mạng lưới giao thông, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Lê Việt Bắc cho biết, Trung ương sẽ nâng cấp các quốc lộ hiện có, đồng thời đầu tư thêm một số tuyến đường trục dọc như đường cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu và tuyến đường Hồ Chí Minh từ Rạch Sỏi - Bến Nhứt - Giồng Riềng - Gò Quao - Vĩnh Thuận.

Trung ương cũng đang đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc phía đông đoạn Cần Thơ - Cà Mau đi qua địa bàn Kiên Giang với 17km sẽ kết nối vào quốc lộ 63. Tỉnh đã xin chủ trương Trung ương đầu tư tuyến đường ven biển kết nối từ Cà Mau đến Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên. Ngoài ra, tỉnh đã và đang đầu tư xây dựng đường ven biển đoạn từ huyện Châu Thành đến Kiên Lương, dự kiến hoàn thành trong năm 2025; riêng đoạn từ Cà Mau đến An Biên, Trung ương chuẩn bị đầu tư bằng nguồn vốn vay của Ngân hàng Tái thiết Đức.

“Ngoài ra, trong quy hoạch giai đoạn 2021-2030, tỉnh đề xuất nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Rạch Giá, kéo dài đường cất, hạ cánh để đảm bảo tiếp nhận được máy bay cỡ trung bình là Airbus A320, A321 và công suất nhà ga lên khoảng 1 triệu lượt khách/năm. Hệ thống cảng cũng được quan tâm đầu tư như nâng cấp cảng hành khách Rạch Giá, cảng cá Xẻo Nhàu, cảng cá Lình Huỳnh và tập trung đầu tư nâng cấp, hoàn thiện cảng hành khách quốc tế Dương Đông để đưa vào hoạt động trong năm 2025”, ông Lê Việt Bắc cho biết.

 

Mở rộng không gian về hướng biển, chỉ đạo của Phó thủ tướng Trần Lưu Quang là hoàn toàn phù hợp với quy hoạch tỉnh. Theo đó, đến năm 2030, tổng diện tích đất tự nhiên của Kiên Giang tăng thêm hàng ngàn hécta do đưa vào triển khai xây dựng các công trình, dự án lấn biển.

Ngoài ra, để thực hiện chiến lược phát triển kinh tế hướng ra Biển Tây, xây dựng Kiên Giang trở thành trung tâm kinh tế biển của quốc gia, kết nối sức mạnh tổng lực giữa Phú Quốc và đất liền, mà hạt nhân là Rạch Giá, Kiên Giang sẽ nghiên cứu xây dựng khu kinh tế ven biển Rạch Giá và vùng phụ cận ở Châu Thành, An Biên.

Theo các chuyên gia kinh tế, vùng không gian từ Rạch Giá - Châu Thành - An Biên có nhiều điều kiện hình thành khu kinh tế biển trên đất liền do nằm trong thế liên kết tạo thành cụm kinh tế biển Tây Nam, trong đó lấy Phú Quốc - Rạch Giá - TP. Cà Mau - khu kinh tế Năm Căn làm trung tâm, với các ngành, nghề chính gồm cảng biển và dịch vụ cảng biển, cảng xuất khẩu, công nghiệp chế biến thủy sản, công nghiệp năng lượng tái tạo, nghề cá xa bờ, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch giải trí chất lượng cao… Với không gian nghiên cứu từ TP. Rạch Giá - Châu Thành - An Biên thỏa mãn các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, dự kiến tỉnh xây dựng trung tâm đầu mối về nông nghiệp tại Rạch Sỏi, phát triển các khu vực lấn biển, đảo nhân tạo…

Trong thời kỳ 2021 - 2030, tỉnh tập trung ưu tiên nguồn lực để phát triển hiệu quả các khu kinh tế như Khu kinh tế Phú Quốc, Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên, Khu kinh tế cửa khẩu Giang Thành. Đây cũng là thời gian chuẩn bị các điều kiện hỗ trợ cần thiết để xây dựng Khu kinh tế ven biển Rạch Giá vào giai đoạn sau năm 2030.

T. Hương (Nguồn: https://www.baokiengiang.vn/)