Trong đó, nhóm bất động sản đứng đầu khi thực hiện mua lại 8.682 tỷ đồng, tương đương 29% tổng giá trị mua lại. Xếp sau là nhóm xây dựng với 5.454 tỷ đồng, chiếm 18%.

Hầu hết trái phiếu được mua lại sẽ đáo hạn vào năm 2023 và 2024. VBMA cho biết, doanh nghiệp bất động sản vẫn tiếp tục thực hiện mua lại trái phiếu tương đối nhiều trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn trong việc huy động vốn và trả lãi, gốc trái phiếu đúng hạn. 

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ.

Theo thống kê mới đây của FiinRatings, từ đầu năm 2022 đến ngày 17/3/2023, có 69 công ty (tổ chức phát hành) không thể đáp ứng nghĩa vụ nợ với ít nhất một lô trái phiếu đang lưu hành với tổng giá trị 94.430 tỷ đồng, chiếm 8,15% giá trị trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đang lưu hành.

Trong đó, 65 doanh nghiệp đã vi phạm nghĩa vụ nợ và 4 doanh nghiệp có TPDN đến hạn nhưng được tái cơ cấu nợ. Nhóm bất động sản chiếm phần lớn với 43 công ty và tổng giá trị TPDN chậm trả nợ ở mức 78.940 tỷ đồng.
Tại thời điểm cuối năm 2022, 69 doanh nghiệp này có tổng nợ vay 233.700 tỷ đồng, trong đó, tổng giá trị TPDN đang lưu hành ở mức 169.700 tỷ đồng và 64.000 tỷ đồng là vay tín dụng ngân hàng, nợ khác.

Các trái phiếu đã ở tình huống chậm trả chiếm 56% tổng giá trị TPDN đang lưu hành của các doanh nghiệp này. Phần chưa đến hạn thanh toán (75.286 tỷ đồng) có kỳ đáo hạn chủ yếu vào năm 2023 (ước tính 30.200 tỷ đồng) và năm 2024 (khoảng 21.900 tỷ đồng).

Theo FiinRatings, bất động sản là ngành có tỷ lệ nợ xấu trái phiếu ở mức 20,2%, cao thứ hai sau ngành năng lượng (63,1%). Tuy nhiên, ngành bất động sản lại có quy mô TPDN lưu hành lớn nhất, ở mức 396.300 tỷ đồng, chiếm 33,8% tổng giá trị TPDN lưu hành.

Còn ngành năng lượng mặc dù có tỷ lệ nợ xấu trái phiếu cao nhất, nhưng quy mô TPDN rất nhỏ, tập trung vào một số ít doanh nghiệp và chỉ chiếm 0,3% tổng giá trị TPDN lưu hành.

Mới đây, Bộ Tài chính đã tổ chức làm việc với gần 40 doanh nghiệp phát hành và tổ chức cung cấp dịch vụ trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp để tìm ra giải pháp củng cố niềm tin của nhà đầu tư, tháo gỡ khó khăn và tăng tính thanh khoản của thị trường. Cùng với đó, từ cuối năm 2022 đến nay, Bộ thường xuyên yêu cầu các doanh nghiệp phải ưu tiên thực hiện thanh toán nợ gốc, lãi trái phiếu đến hạn cho nhà đầu tư theo đúng cam kết. 

Bộ Tài chính khẳng định doanh nghiệp còn dư nợ trái phiếu có trách nhiệm đến cùng đối với nghĩa vụ nợ trái phiếu, chủ động minh bạch hóa thông tin tình hình tài chính, khả năng trả nợ của doanh nghiệp thông qua kết quả xếp hạng tín nhiệm, kiểm toán báo cáo tài chính.

Minh Đức