Điều này, đòi hỏi các cơ quan chức năng cần có biện pháp tổng thể, quyết liệt nhằm ngăn chặn và đẩy lùi vấn nạn tồn tại nhiều năm qua.
Vừa qua, Công an quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội đã phát hiện và thu giữ 37 thùng bao các-tông chứa 3.500 bao thuốc lá lậu. Tại thời điểm kiểm tra, Đào Trung Dũng, 27 tuổi, trú tại phường Gia Sàng, TP Thái Nguyên không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hàng hóa. Trong quá trình điều tra, Dũng khai nhận, đã giao dịch với một đối tượng trên mạng xã hội chuyển số thuốc này từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội qua đường hàng không để tiêu thụ.
Tình hình buôn lậu thuốc lá càng trở nên phức tạp, với số lượng lớn
Trước đó, Công an tỉnh Quảng Ninh bắt quả tang Phạm Đình Phi, thường trú tại tổ 3, khu 1, phường Cẩm Thịnh, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh đang có hành vi cho các cây thuốc lá điếu do nước ngoài sản xuất vào hai thùng các-tông, bên ngoài có in nhãn hiệu thuốc lá Thăng Long để ngụy trang với mục đích mang đi tiêu thụ.
Quá trình kiểm tra thực tế, cơ quan chức năng phát hiện có 55 nghìn bao thuốc lá các loại do nước ngoài sản xuất đựng trong 110 thùng các-tông. Hiện nay, hai vụ buôn lậu nêu trên đã được các cơ quan chức năng khởi tố vụ án, khởi tố bị can theo Điều 190 Bộ luật Hình sự năm 2015 về hành vi buôn bán hàng cấm và tiếp tục điều tra mở rộng vụ án.
Theo nhận định của Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia), mặc dù đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn và đẩy lùi nhưng hoạt động buôn lậu thuốc lá vẫn diễn biến rất phức tạp. Qua kiểm tra, kiểm soát và xử lý cho thấy, buôn lậu thuốc lá có chiều hướng gia tăng cả về số vụ, số lượng thuốc lậu và giá trị hàng hóa.
Tại các khu vực biên giới, đường mòn, lối mở, đối tượng buôn lậu thường xé lẻ thuốc lá với số lượng dưới 500 bao nhằm qua mặt cơ quan chức năng cũng như tránh bị xử lý hình sự khi bị phát hiện. Tuy nhiên, khi đi sâu vào trong nước, thuốc lá lậu lại được tập kết tại các kho hàng với số lượng lớn, sau đó trà trộn vào các mặt hàng như bánh kẹo, thực phẩm… và vận chuyển đi tiêu thụ, thậm chí nhiều vụ việc các đối tượng vận chuyển bằng xe ô-tô với số lượng rất lớn được ngụy trang dưới dạng các xe đông lạnh, xe chuyên chở thực phẩm cần bảo quản nhằm tránh bị phát hiện.
Nhiều trường hợp có dấu hiệu buôn lậu thuốc lá nhưng rất khó xử lý, nhất là các lô hàng thuộc loại hình tạm nhập tái xuất gửi tại các kho ngoại quan. Trên thực tế, mặc dù toàn bộ hàng hóa sau khi làm thủ tục tạm nhập tái xuất, kho ngoại quan đều được giám sát thực xuất, nhưng có khả năng cao sau khi hàng đã thực xuất thì các đối tượng buôn lậu mới lợi dụng địa hình và thời gian đêm tối để đưa hàng hóa quay trở lại gây rất nhiều khó khăn cho công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát của các cơ quan chức năng.
Tình hình buôn lậu thuốc lá không chỉ có chiều hướng gia tăng về số lượng, số vụ mà phương thức, thủ đoạn cũng có nhiều thay đổi với tính chất phức tạp, khó lường. Trước đây thuốc lá lậu chủ yếu được nhập lậu qua đường tiểu ngạch tại những tỉnh phía nam sau đó vận chuyển ra các tỉnh phía bắc tiêu thụ, thì hiện nay một số chủng loại thuốc lá lậu lại được chuyển ngược từ các tỉnh phía bắc vào phía nam để tiêu thụ.
Đầu tháng 9-2019, Đội 6 Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng và buôn lậu Công an TP Hồ Chí Minh bắt quả tang xe tải BKS 15C - 314.69 do Phan Ích Thành (sinh năm 1971, quê Hải Phòng) điều khiển đang vận chuyển thuốc lá điếu nhập lậu giao cho Bùi Lê Quang Thông (sinh năm 1967, ngụ quận 3) tại một bãi xe nằm trên đường Lý Thường Kiệt, quận 10.
Qua kiểm tra, phát hiện có hơn 31 nghìn bao thuốc lá nhập lậu được nguỵ trang trong các thùng bánh, kẹo. Khám xét tại nhà riêng và kho của Thông tại bãi xe trên, lực lượng chức năng phát hiện thêm 3.000 bao thuốc lá được nguỵ trang bằng hình thức tương tự. Bước đầu, tài xế Thành thừa nhận chở lô hàng thuốc lậu trên từ phía bắc vào TP Hồ Chí Minh giao cho Thông tiêu thụ.
Thực tế gia tăng của buôn lậu thuốc lá trong thời gian qua xuất phát từ nhiều lý do. Trước hết, hoạt động buôn lậu thuốc lá đem lại siêu lợi nhuận, tới trên 400%, bởi thuốc lá lậu không phải chịu bất cứ khoản thuế, phí nào, trong khi thuốc lá nhập khẩu chính ngạch phải chịu thuế nhập khẩu từ 100% đến 202,5%, thuế giá trị gia tăng 10%.
Trong khi đó, thuốc lá sản xuất trong nước phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt 75%, thuế giá trị gia tăng 10%; quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá 2%. Bên cạnh đó, thuốc lá là loại hàng hóa gọn nhẹ, dễ vận chuyển, trong khi đặc điểm địa lý của nước ta có đường biển, đường sông, biên giới đường bộ dài, tiếp giáp với nhiều nước, nên rất thuận lợi cho các đối tượng buôn lậu vận chuyển hàng hóa vào trong nước, đồng thời gây nhiều khó khăn cho các lực lượng chức năng trong công tác kiểm soát, bắt giữ thuốc lá nhập lậu.
Để ngăn chặn và từng bước đẩy lùi vấn nạn buôn lậu thuốc lá, cùng với các hoạt động tuyên truyền phòng, chống tác hại của thuốc lá, góp phần giảm nhu cầu sử dụng đối với loại mặt hàng này, cần nâng cao ý thức trách nhiệm và trình độ nghiệp vụ của các lực lượng chức năng phòng chống buôn lậu thuốc lá; đồng thời tăng cường kiểm tra kiểm soát và kiên quyết xử lý nghiêm minh những vụ vi phạm.
Bên cạnh đó, cần áp dụng chế tài nghiêm khắc, đích đáng nhằm răn đe và trừng trị các đối tượng buôn lậu, nhất là những vụ việc có số lượng hàng hóa lớn, hoạt động có tính chất chuyên nghiệp. Có những quy định cụ thể, luật hóa và thực thi có hiệu quả các hoạt động kiểm tra, xử lý đối với mặt hàng thuốc lá nằm trong diện tạm nhập tái xuất, không để thẩm lậu ngược trở lại trong nước.
PV