Tăng cường kiểm soát, ngăn chặn buôn bán vận chuyển ma túy
Tội phạm ma túy trong và ngoài nước câu kết chặt chẽ với nhau...
Báo cáo của Tổng cục Hải quan, chỉ tính từ tháng 7/2018 đến nay, lực lượng phòng chống ma túy ngành hải quan đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ 129 vụ/91 đối tượng; thu giữ: 218 kg heroin, 30 kg thuốc phiện, 725 kg ma túy đá, 127,6 kg cocain, 502 kg ketamin, 40,6 kg cần sa và 179.833 viên ma túy tổng hợp.
Trong đó, Cục Điều tra chống buôn lậu đã chủ trì và phối hợp với các lực lượng chức năng lập và đấu tranh thành công 20 chuyên án, bắt giữ 22 đối tượng, thu giữ: 346,72 kg ma túy đá, 127,6 kg cocain, 142,8 kg heroin, 502,1 kg ketamin cùng hàng chục ngàn viên ma túy tổng hợp.
Ngày 20/3, lực lượng hải quan đã phối hợp với lực lượng chức năng bắt giữ 13 đối tượng, thu giữ 300 kg ma túy đá. Đường dây này, do các đối tượng quốc tịch Đài Loan, Trung Quốc câu kết với một số đối tượng người Lào và Việt Nam tổ chức mua bán, vận chuyển trái phép ma túy xuyên quốc gia.
Ngày 11/5, lực lượng chức năng đã triệt phá thành công đường dây mua bán, vận chuyển trái phép 500 kg ma túy ketamin từ nước ngoài vào địa bàn TP. HCM để trung chuyển bằng đường biển sang nước thứ 3 tiêu thụ. Đường dây này, do các đối tượng người Đài Loan cầm đầu...
Ông Nguyễn Văn Thủy, Trưởng phòng Kiểm soát ma túy, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) cho biết: “Trước đây, các loại ma túy tổng hợp dạng đá hầu như ít được giao dịch, mua bán. Tuy nhiên, từ giữa năm 2017 đến nay, tình trạng mua bán, vận chuyển các loại ma túy tổng hợp dạng viên và dạng đá kèm theo heroin với số lượng lớn từ khu vực “Tam giác vàng” qua Lào về Việt Nam, chiều hướng gia tăng”.
Cũng theo ông Thủy, nguyên nhân bởi đường biên giới chung giữa 2 nước Việt Nam - Lào khá dài, việc qua lại du lịch, buôn bán, đầu tư của nhân dân 2 nước thuận lợi. Ngoài ra, quan hệ thương mại tăng cao, cũng khiến lượng phương tiện qua lại 2 bên biên giới gia tăng và dễ dàng hơn.
Đáng chú ý, tội phạm sản xuất ma túy tổng hợp ở Trung Quốc, đã và đang có chuyển hướng địa bàn sang Myanmar và Lào, sau đó tìm cách đưa về Việt Nam qua biên giới các tỉnh. Đặc biệt, thời gian gần đây, các đối tượng thường xuyên dùng tuyến hàng không, bưu điện và chuyển phát nhanh, sử dụng tuyến biển và cảng biển quốc tế để vận chuyển.
Tội phạm ma túy trong và ngoài nước câu kết chặt chẽ với nhau, hình thành các đường dây, tổ chức tội phạm với tính chất, phương thức, thủ đoạn tinh vi, liều lĩnh và manh động. Chúng trang bị nhiều phương tiện thông tin liên lạc hiện đại, vận chuyển ma túy bằng nhiều phương tiện khác nhau và sẵn sàng dùng nhiều loại vũ khí “nóng” chống trả khi bị lực lượng chức năng phát hiện, truy đuổi, bắt giữ.
Nổi lên là các đối tượng có quốc tịch Trung Quốc, Đài Loan, Lào… móc nối với các đối tượng trong nước để thực hiện các hành vi mua bán, vận chuyển qua biên giới thông qua các đường mòn, lối mở, qua hoạt động XNK, xuất nhập cảnh… để cất giấu các chất ma túy từ Lào, Campuchia, từ châu Mỹ, châu Phi vào Việt Nam.
Triển khai các giải pháp về công tác đấu tranh phòng chống ma túy
Trước thực trạng đó, ngành hải quan luôn xác định công tác đấu tranh phòng chống tội phạm mua bán, vận chuyển ma túy qua biên giới là một trong những nhiệm vụ trọng tâm gắn liền với việc tạo thuận lợi cho các hoạt động thương mại XNK. Đây cũng là khó khăn, thách thức cho lực lượng phòng chống ma túy ngành hải quan.
Với vai trò là thành viên Ủy ban Quốc gia phòng chống AIDS và phòng chống ma túy, mại dâm, ngành hải quan luôn tích cực tham gia xây dựng, sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện các bộ luật và các văn bản quy phạm pháp luật; đồng thời xây dựng, tham mưu cho Bộ Tài chính ban hành nhiều văn bản triển khai các giải pháp về công tác đấu tranh phòng chống ma túy.
Ngành hải quan cần chú trọng, thực hiện hiệu quả công tác đào tạo nâng cao trình độ nghiệp vụ và tích cực tham gia các hoạt động trong khuôn khổ dự án hợp tác quốc tế về phòng chống ma túy và tăng cường công tác hợp tác quốc tế với hải quan các nước; tổ chức tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ kiểm soát ma túy đảm bảo đạt chất lượng, hiệu quả.
Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với bộ, ngành có liên quan trong quản lý nhà nước về XNK, xuất nhập cảnh và các lực lượng chức năng của Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Công thương trong công tác kiểm soát hoạt động XNK, sử dụng tiền chất, không để tội phạm lợi dụng vận chuyển, sản xuất ma túy.
Ông Nguyễn Phi Hùng, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) cho biết, hoạt động tội phạm ma túy tại Việt Nam tiếp tục có những diễn biến phức tạp cả quy mô, tính chất, số vụ, số lượng ma túy, gia tăng hoạt động của các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy lớn, có tính chất xuyên quốc gia trên tất cả các tuyến biên giới, cửa khẩu.
“Cái khó trong đấu tranh chống ma túy là pháp luật của mỗi quốc gia khác nhau, có quốc gia coi việc sử dụng ma túy chỉ là tệ nạn. Chính vì thế, việc chia sẻ thông tin, tổ chức ngăn chặn buôn lậu ma túy giữa các quốc gia còn hạn chế, là cơ hội để các đối tượng phạm pháp hoạt động…”, ông Phi Hùng nói.
Về giải pháp thời gian tới, ông Phi Hùng cho biết, Tổng cục Hải quan tiếp tục chỉ đạo lực lượng kiểm soát ma túy chuyên trách tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, làm tốt công tác thu thập, phân tích thông tin trong và ngoài nước; công tác điều tra cơ bản, xác minh các đối tượng, phương tiện có liên quan đến hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy, tiền chất để xác lập các chuyên án đấu tranh với tội phạm mua bán, vận chuyển ma túy qua địa bàn hoạt động hải quan.
Cùng với đó, ngành sẽ phải nỗ lực trong việc cải cách hiện đại hóa công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan, đặc biệt rà soát khắc phục các hạn chế của hệ thống thông quan tự động nhằm nâng cao hiệu quả công tác và tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, đồng thời phục vụ nhiệm vụ đấu tranh chống buôn lậu nói chung, phòng chống ma túy nói riêng.
Phan Chinh - Duy Hùng