Hà Nội - Địa bàn trung chuyển, tiêu thụ hàng lậu
Theo Ban Chỉ đạo 389 TP Hà Nội, hàng lậu, hàng cấm được vận chuyển từ các tỉnh biên giới phía Bắc, từ cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài vào nội thành Hà Nội để tiêu thụ
Để trốn tránh việc kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng, các đối tượng thường thay đổi tuyến đường và phương tiện vận chuyển. Hàng hóa chủ yếu là mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu thụ cao như rượu, bia, quần áo, giày dép, mỹ phẩm, thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, đồ điện tử, điện lạnh, điện thoại di động, thực phẩm, xăng dầu… Tình hình sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng hóa giả mạo xuất xứ, giả mạo nhãn hiệu vẫn còn diễn ra.
Đại diện Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03-Bộ Công an) cho biết, hiện nay, hàng giả không chỉ được sản xuất từ trong nước mà còn sản xuất ở nước ngoài, nhất là Trung Quốc. Lực lượng C03 đã phối hợp với Công an, Quản lý thị trường TP Hà Nội triệt phá đường dây vận chuyển, buôn bán thuốc giả, thực phẩm chức năng giả được sản xuất từ Trung Quốc, đưa về Hà Nội, trung chuyển vào các tỉnh phía Nam tiêu thụ.
Qua thống kê của Ban Chỉ đạo 389 TP Hà Nội, trong tháng 3, Cục Quản lý thị trường Hà Nội phối hợp với Cục C03 kiểm tra điểm tập kết hàng hóa của Công ty Võ Minh Thiên (có địa chỉ tại quận Thanh Xuân, Hà Nội). Qua kiểm tra, lực lượng chức năng thu giữ 5.000 vỉ thuốc Viagra Pfier 100mg (4 viên/vỉ); 2.966 hộp viên Japan Tengsu 0,5g… không có hóa đơn, chứng từ kèm theo theo quy định.
Trong tháng 4/2020, lực lượng Công an, Quản lý thị trường Hà Nội phối hợp khám xét xe ô tô mang BKS: 29H-267.52 phát hiện trên xe vận chuyển 835kg lương khô, bánh các loại; 480 hộp ngũ cốc và 6.860 gói hạt dẻ từ Lào Cai về Hà Nội. Toàn bộ số hàng trên là hàng thực phẩm do nước ngoài sản xuất, có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt, không có hóa đơn chứng từ kèm theo.
Lực lượng C03 và Cục Quản lý thị trường phối hợp kiểm tra hàng hóa vi phạm trong tháng 4/2020.
Tăng cường phối hợp, nhất quán
Đại diện Cục C03 dự báo, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, do nhu cầu sản xuất, tiêu dùng tăng sẽ là điều kiện để các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất hàng giả gia tăng. Trong đó, có hiện tượng hàng hóa từ nước ngoài thẩm lậu vào Việt Nam, rồi vận chuyển đi nước thứ ba. Hàng giả, hàng lậu tuồn vào Hà Nội qua tuyến đường bộ, đặc biệt là từ các tỉnh khu vực phía Bắc. Trên tuyến hàng không, xuất hiện tình trạng trung chuyển hàng lậu từ sân bay Nội Bài vào khu vực phía Nam tiêu thụ, nhất là những mặt hàng có giá trị cao.
Mặt khác, lợi dụng sự thông thoáng trong đăng ký thành lập doanh nghiệp, nhiều đối tượng sử dụng thông tin giả, giấy tờ giả thành lập doanh nghiệp “ma” để mua bán hóa đơn, trốn thuế, buôn lậu. Do vậy các cơ quan chức năng như: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Hải quan, Công an, Quản lý thị trường cần chia sẻ thông tin để đưa ra những cảnh báo, ngăn chặn trước.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An, Hà Nội là trung tâm kinh tế lớn của cả nước, số dân đông, sức mua lớn; hạ tầng giao thông thuận lợi cũng là điều kiện để các đối tượng buôn lậu hoạt động gây khó khăn cho lực lượng chức năng. Mặt khác, vùng biên giới các tỉnh phía Bắc là nơi tập kết hàng, nếu không kiểm soát tốt sẽ làm gia tăng hoạt động buôn lậu, vận chuyển về Hà Nội.
“Chỉ mất khoảng 2,5 giờ đồng hồ di chuyển từ Lào Cai về Hà Nội; 1,5 giờ di chuyển từ Quảng Ninh và 40 phút di chuyển từ Hải Phòng về Hà Nội”, ông Đặng Hoàng An nhấn mạnh.
Ông Đặng Hoàng An cũng dự báo, tới đây, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tiếp tục diễn biến phức tạp. Chính vì vậy, cần sự phối hợp giữa các lực lượng trong địa bàn Hà Nội, cũng như sự phối hợp với các tỉnh lân cận và các tỉnh có đường biên giới.
Trúc Mai