Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng đã nhấn mạnh như trên khi chủ trì cuộc họp sáng nay (24/4) về tình hình thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh và tình hình chuẩn bị, gửi hồ sơ báo cáo, đề án, dự án trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV.
Dự cuộc họp có đại diện các Bộ, cơ quan ngang Bộ: Công an; Kế hoạch và Đầu tư; Công Thương; Tài chính; Nội vụ; Lao động-Thương binh và Xã hội; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tư pháp; Ngoại giao; Y tế; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Thanh tra Chính phủ; Khoa học và Công nghệ...
Cần ban hành 21 nghị định để hướng dẫn 8 luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2018
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, trong những năm qua, công tác xây dựng thể chế pháp luật của Chính phủ đã có nhiều cải cách, tiến bộ, đặc biệt trong xây dựng các dự án luật, pháp lệnh, các báo cáo, đề án. Năm 2017 là năm đầu tiên sau nhiều năm Chính phủ không còn nợ đọng văn bản chi tiết xây dựng luật, pháp lệnh; đồng thời Quốc hội cũng ghi nhận, đánh giá cao việc trước khi khai mạc Quốc hội, Chính phủ đã hoàn thành và trình Quốc hội toàn bộ các văn kiện, báo cáo.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, gần đây tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết việc thi hành luật, pháp lệnh tiếp tục diễn ra.
"Hiện còn 8 văn bản (trong đó có 6 nghị định, 2 quyết định), 10 thông tư hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh còn chậm", Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cho biết.
Cùng với đó, cần ban hành 21 nghị định để hướng dẫn 8 luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2018. Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, đây là công việc tương đối lớn mà các Bộ cần hoàn thành.
Cũng theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, việc xây dựng dự thảo luật, pháp lệnh, báo cáo trình kỳ họp Quốc hội tới đây còn những tồn tại như: Hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định, báo cáo còn thiếu nội dung, tiến độ chậm; tình trạng xin lùi, xin rút vẫn còn; báo cáo còn thiếu chất lượng... Tại phiên họp 23 Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có ý kiến và có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ; Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP và Bộ trưởng Bộ Tư pháp về nợ đọng nêu trên.
Để chấn chỉnh tồn tại này, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng Chính phủ giao VPCP mời các Bộ, cơ quan ngang Bộ làm việc để rà soát toàn bộ nội dung các văn bản nợ đọng, đặc biệt chấn chỉnh nội dung chất lượng văn bản. Ngày 21/5 sắp tới Quốc hội sẽ họp kỳ họp thứ 5, chính vì vậy, theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, nếu không hoàn thành, không làm tốt, thì vấn đề nợ đọng văn bản sẽ ảnh hưởng đến sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Theo Vụ Pháp luật (VPCP), Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2018 có 11 dự án luật phải trình Chính phủ xem xét, thông qua. Đến nay, Chính phủ đã thông qua được 7 dự án theo đúng chương trình; 2 dự án sẽ trình Chính phủ xem xét trong tháng 6 và 7/2018; 1 dự án Chính phủ xin điều chỉnh lùi tiến độ. Về tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật năm 2018, đến nay còn 8 văn bản (gồm 6 nghị định, 2 quyết định) thuộc trách nhiệm của các Bộ: Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Kế hoạch và Đầu tư; Công Thương; Tài chính; Công an; Nội vụ; Lao động-Thương binh và Xã hội.
Báo cáo tiến độ của các Bộ, cơ quan tại buổi làm việc cho thấy trong 8 văn bản có 3 nghị định, 2 quyết định còn chậm, không đáp ứng thời gian, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP nhấn mạnh cần quyết tâm hoàn thành 3 nghị định, 2 quyết định này và 10 thông tư. Ngoài ra, với 21 nghị định có hiệu lực từ 1/7, đề nghị các Bộ bám tiến độ để tiếp tục hoàn thành.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cho biết, tại phiên họp Chính phủ vào tháng 5 tới, VPCP sẽ báo cáo toàn bộ các văn bản còn nợ đọng và đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ hoàn thành theo tiến độ, không để có tên trong danh sách Bộ, cơ quan nợ đọng văn bản.
Theo Chinhphu.vn