Hệ thống cung cấp các giải pháp xác thực định danh, bảo mật thông tin và tương tác trực tiếp, cho phép các bên tiến hành giải quyết tranh chấp trên mạng vào thời điểm thuận tiện do các bên lựa chọn.
Các tranh chấp được giải quyết trên hệ thống này bao gồm cả tranh chấp phát sinh từ các giao dịch trực tuyến và các giao dịch trực tiếp. Với ưu điểm nhanh chóng, thuận tiện, các tranh chấp có thể được xem xét giải quyết không phụ thuộc vào giá trị tranh chấp lớn hay nhỏ.
Kích hoạt hệ thống giải quyết tranh chấp trực tuyến
Hệ thống giải quyết tranh chấp trực tuyến đã được kích hoạt và sẵn sàng phục vụ mọi cá nhân tổ chức nếu có yêu cầu giải quyết tranh chấp từ ngày 1/6/2020, tại địa chỉ www.hiac.vn.
Giải quyết tranh chấp bằng phương thức trực tuyến ngày càng phổ biến trên thế giới nhờ sự phát triển nhanh chóng của công nghệ. Phương thức này đáp ứng nhu cầu giải quyết tranh chấp ngày càng cao do sự gia tăng không ngừng của các hoạt động thương mại điện tử và các giao dịch khác trên nền tảng công nghệ trên phạm vi toàn cầu.
Kết hợp với lợi thế của các phương thức giải quyết tranh chấp ngoài tố tụng như hoà giải, trọng tài, ODR dựa trên các ứng dụng công nghệ mới cho phép các tổ chức, cá nhân có thể tiếp cận hệ thống giải quyết tranh chấp từ bất kỳ địa điểm và thời gian nào khi truy cập vào hệ thống Internet.
Theo Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) phát hành năm 2019, tăng trưởng thương mại điện tử tiêu dùng ở Việt Nam hàng năm đạt khoảng 30% với số người mua sắm qua mạng trong năm 2018 đạt tới 39,9 triệu người.
Tỷ lệ người dân sử dụng Internet đạt tới 60% cũng cho thấy tiềm năng to lớn của thương mại điện tử ở Việt Nam. Đáng chú ý, các giao dịch tiêu dùng thường là những giao dịch có giá trị không lớn và khi có các tranh chấp phát sinh, người tiêu dùng thường không yêu cầu giải quyết tranh chấp theo các phương thức truyền thống do e ngại phải bỏ nhiều thời gian và công sức so với lợi ích thu được.
Phát triển các phương thức giải quyết tranh chấp trực tuyến, do vậy, là xu hướng tất yếu để hỗ trợ cho sự phát triển lành mạnh của thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam. Nhu cầu ứng dụng các công cụ trực tuyến của các doanh nghiệp và người dân tăng cao do tác động của Đại dịch Covid-19 càng làm rõ nét hơn vai trò và tầm quan trọng của phương thức giải quyết tranh chấp này.
Trong “Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 - 2025”, Thủ tướng Chính phủ cũng phê duyệt Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 15/5/2020, xác định một phần giải pháp phát triển thương mại điện tử ở Việt Nam là xây dựng các cơ chế giải quyết tranh chấp hiệu quả ứng dụng công nghệ số, khuyến khích việc hình thành các hệ thống trọng tài/giải quyết tranh chấp độc lập.
Hà Trần