Nhiều dấu ấn trong hợp tác lao động Việt Nam – Hàn Quốc
Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Việt Nam Nguyễn Bá Hoan khẳng định, kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao (1992), trong hơn 30 năm qua, hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc đã đạt được những bước phát triển vượt bậc và toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, trong đó có hợp tác về lao động, việc làm và an sinh xã hội.
Hợp tác lao động giữa Việt Nam và Hàn Quốc chính thức bắt đầu từ năm 1993 thông qua chương trình hợp tác cung ứng và sử dụng lao động. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Việt Nam, Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc đã nhiều lần ký Thỏa thuận hợp tác. Hai Bộ đã thiết lập quan hệ đối tác trung, dài hạn và tiếp tục mở rộng các hoạt động hợp tác toàn diện trong lĩnh vực lao động, việc làm và an sinh xã hội.
Ở lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, Chính phủ Hàn Quốc đã thực hiện nhiều chương trình, dự án và các hoạt động hỗ trợ Việt Nam phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Trong đó, có các dự án về nâng cao năng lực thiết lập hệ thống đánh giá và cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; dự án thành lập 5 trường cao đẳng nghề Việt Nam-Hàn Quốc; dự án đào tạo nghề gắn với việc làm cho người khuyết tật, dự án xây dựng hệ thống thông tin quản lý trình độ kỹ năng nghề quốc gia...
Hàn Quốc cũng hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho Việt Nam trong việc xây dựng và triển khai Luật Việc làm, chính sách bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ chuyên gia, nâng cao năng lực phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, hệ thống dịch vụ việc làm qua các thỏa thuận hợp tác. Hai bên cũng có nhiều hợp tác chặt chẽ và đạt được nhiều kết quả tốt đẹp trong lĩnh vực an toàn vệ sinh lao động, bình đẳng giới, hỗ trợ người yếu thế....
Bên cạnh đó, hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong lĩnh vực an toàn lao động cũng rất hiệu quả, phía Hàn Quốc đã hỗ trợ Việt Nam xây dựng các trung tâm kiểm định, hướng dẫn về an toàn lao động và các tập đoàn, nhà máy của Hàn Quốc đang sử dụng những lao động được hưởng lợi từ các trung tâm này. Đặc biệt, Hàn Quốc đã hỗ trợ Việt Nam trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, hỗ trợ đào tạo cho các thí sinh Việt Nam đi thi tay nghề thế giới.
Một trong những dấu mốc quan trọng trong quan hệ hợp tác về bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động hai nước thời gian qua là việc ký Hiệp định song phương về bảo hiểm xã hội giữa Việt Nam-Hàn Quốc vào cuối năm 2021.
Đây là Hiệp định song phương đầu tiên của hai nước trong lĩnh vực này và cũng là Hiệp định song phương đầu tiên về bảo hiểm xã hội của Việt Nam với một quốc gia khác.
Hiệp định đã được cơ quan có thẩm quyền hai nước phê duyệt và Bộ Ngoại giao của hai bên thông báo cho nhau về việc hoàn tất các thủ tục nội bộ để Hiệp định chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2024.
Việc ký kết Hiệp định song phương về bảo hiểm xã hội giữa Việt Nam và Hàn Quốc thể hiện sự quan tâm của Chính phủ hai nước đáp ứng nhu cầu cấp thiết, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự di chuyển người lao động cũng như để bảo đảm quyền lợi của người lao động của cả hai quốc gia.
Việt Nam có 66.300 lao động đang làm việc tại Hàn Quốc
Theo Bộ LĐTB&XH, Việt Nam có 66.300 lao động đang làm việc tại Hàn Quốc theo 4 kênh hợp tác bao gồm: Chương trình EPS (thị thực E9) có 38.055 người, lao động chuyên môn kỹ thuật (thị thực E7) có 8.978 người (chủ yếu là lao động EPS chuyển đổi thị thực), thuyền viên tàu cá (thị thực E10) có 9.596 người và lao động thời vụ (thị thực C4 và E8) có 9.671 người. Số lao động cư trú, làm việc không hợp pháp giảm dần, hiện còn 16.300 người, chiếm 24,6% tổng số lao động đang làm việc tại thị trường này.
Năm 2023, Việt Nam phái cử được 15.120 lao động sang Hàn Quốc, cao nhất trong 10 năm gần đây. Bên cạnh Trung tâm lao động ngoài nước đưa 10.900 lao động theo Chươn trình EPS, năm 2023 còn có 35 doanh nghiệp phái cử 974 lao động chuyên môn, kỹ thuật (đến tháng 5/2024 là 1.646 người) và 17 doanh nghiệp phái cử 1.406 thuyền viên tàu cá, 12 địa phương đưa đi 1.840 lượt lao động thời vụ. Theo kế hoạch năm 2024, Việt Nam đưa 15.000 lao động sang làm việc tại Hàn Quốc.
Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước Phạm Viết Hương, 2 năm trở lại đây, thị trường Hàn Quốc thu hút nhiều lao động Việt Nam với trên 15.000 người xuất cảnh mỗi năm. Hạn ngạch phía bạn cấp cho Việt Nam trong năm nay là 15.400 người mà đến nay đã gần 45.000 người đăng ký.
Hàn Quốc là một trong những thị trường lao động trọng điểm của Việt Nam
6 tháng đầu năm 2024, thị trường Hàn Quốc tiếp tục là một trong ba thị trường tiếp nhận số lao động Việt Nam đi làm việc lớn nhất với hơn 5.500 lao động. Lao động sang Hàn Quốc phần lớn theo chương trình cấp phép cho lao động nước ngoài của Chính phủ Hàn Quốc (Chương trình EPS) và hợp tác lao động kỹ thuật theo thị thực E7, thời hạn làm việc trên 5 năm.
Hàn Quốc là một trong những thị trường lao động trọng điểm, thu hút nhiều người lao động Việt Nam với mức lương cao, chi phí xuất cảnh phù hợp và môi trường làm việc khá tốt. Hiện có tới 4 hình thức đưa người lao động Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc.
Thứ nhất, đi theo Chương trình EPS, đây là kênh phái cử lao động chủ yếu sang Hàn Quốc. Từ năm 2004 đến nay có gần 140.000 lượt lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc và hiện có gần 38.000 lao động đang làm việc (visa E9) tại Hàn Quốc theo Chương trình này. Người lao động có mức thu nhập bình quân từ 1.500 - 2.000 USD/ tháng và được hưởng quyền lợi và các chế độ bảo hiểm theo quy định dành cho lao động nước ngoài tại Hàn Quốc và theo hiệp định song phương giữa hai nước về bảo hiểm xã hội được ký vào tháng 12/2021.
Thứ hai là lao động kỹ thuật (visa E7), đi làm việc theo hợp đồng cá nhân ký trực tiếp với doanh nghiệp Hàn Quốc hoặc thông qua các Hợp đồng cung ứng lao động ký giữa doanh nghiệp Việt Nam với đối tác Hàn Quốc. Ngoài ra, người lao động đang làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS cũng có thể thi để chuyển đổi sang lao động kỹ thuật với visa E7.
Những lao động này cư trú và làm việc dài hạn tại Hàn Quốc (trên 5 năm) với mức lương từ 2.000 - 2.500 USD/ tháng.
Thứ ba là người lao động đi làm thuyền viên trên các tàu đánh cá gần bờ và tàu cá xa bờ theo các hợp đồng cung ứng thuyền viên ký giữa doanh nghiệp Việt Nam và các chủ tàu Hàn Quốc. Hiện có hơn 10.000 thuyền viên Việt Nam đang làm việc tại Hàn Quốc với mức lương trên các tàu đánh cá xa bờ từ 450-550 USD/ tháng và tàu cá gần bờ là 1.400 USD/ tháng.
Ngoài ra, từ năm 2016, Bộ LĐTB&XH đã kiến nghị Chính phủ cho phép thực hiện thí điểm đưa người lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc theo hình thức hợp tác giữa các địa phương của hai nước, đã tạo điều kiện cho người nông dân Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc để học hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm canh tác, thu hoạch, bảo quản và phân phối sản phẩm nông nghiệp. Các địa phương như Đà Nẵng, Đồng Tháp, Hà Tĩnh, Hậu Giang, Thái Bình, Thừa Thiên Huế, Hà Nam, Cà Mau và Quảng Bình đã ký thỏa thuận với Hàn Quốc và đưa hơn 1.000 lao động đi, nhiều địa phương cũng đang xúc tiến đàm phán để ký thỏa thuận với các địa phương của Hàn Quốc.
Theo lãnh đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước, việc đa dạng các hình thức phái cử lao động sang Hàn Quốc nhằm tận dụng những ngành nghề mà phía bạn đang thiếu. Để đẩy mạnh và mở rộng các chương trình hợp tác góp phần nâng tầm quan hệ hai nước lên mức chiến lược toàn diện thì cần tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm nâng cao năng lực cho người lao động Việt Nam, đặc biệt là lao động có trình độ, chuyên môn, phục vụ đầu tư nước ngoài, trong đó có đầu tư của Hàn Quốc tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục mở rộng quy mô, hình thức hợp tác lao động bao gồm các cơ chế cấp phép, lao động thời vụ, lao động kỳ nghỉ và lao động trong các lĩnh vực đặc thù. Tăng cường hợp tác kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao năng lực, ứng dụng công nghệ vào việc phát triển và quản lý thông tin thị trường lao động.
Theo Chinhphu.vn