Theo công ty nghiên cứu Omdia, doanh thu chip của Samsung trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6 đạt mức cao kỷ lục hàng quý là 20,3 tỷ USD nhờ nhu cầu máy chủ chất lượng cao, chiếm 12,8% trong tổng số 158,1 tỷ USD mà các công ty liên quan tới ngành chip trên toàn cầu đạt được trong quý II.

Đây đồng thời cũng là mức doanh thu cao kỷ lục xét theo quý của Samsung Electronics liên quan tới mảng kinh doanh chip. Theo Korea Times, một phần nguyên nhân dẫn tới việc doanh thu mảng chip của Samsung Electronics tăng cao là nhờ vào nhu cầu lớn đối với các loại ổ cứng thể rắn (SSD), được nghiên cứu và chế tạo nhằm cạnh tranh với các ổ cứng HDD truyền thống.

Thị phần về doanh thu mảng bán dẫn của ông lớn Samsung Electronics trong quý II cũng tăng nhẹ so với mức 12,5% mà công ty Hàn Quốc này ghi nhận trong quý đầu năm. Trong khi đó, đối thủ cạnh tranh chính của Samsung là ông lớn Intel của Mỹ đã chứng kiến thị phần sụt giảm từ mức 11,1% trong quý I xuống còn 9,4% trong quý II. Ngoài ra, nhà sản xuất chip của Mỹ đã báo cáo doanh thu quý II đạt 14,8 tỷ USD, giảm 16,6% so với ba tháng đầu năm.

Ảnh minh họa, nguồn internet
Ảnh minh họa, nguồn internet.

Giới quan sát thị trường cho biết, Samsung và Intel luôn cạnh tranh gay gắt trên thị trường sản xuất chip trong nhiều năm qua. 

Năm 2017, Samsung đã lần đầu tiên vượt qua Intel để trở thành nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới về doanh thu và duy trì vị trí này trong hai năm liên tiếp. Đến năm 2019, Intel đã vượt qua Samsungvà vẫn đứng đầu cho đến năm 2020, trước khi bị Samsung đánh bại một lần nữa vào năm ngoái.

Trong khi đó, SK hynix xếp ở vị trí thứ ba khi nắm giữ 6,8% thị phần toàn cầu trong quý II, tiếp theo lần lượt là Qualcomm với 5,9%, Micron với 5,2%, Broadcom với 4,2%, Nvidia với 3,6% và MediaTek với 3,3%.

Theo bảng xếp hạng của Omdia, như vậy có thể thấy, 7 trong số 10 doanh nghiệp ngành chip lớn nhất thế giới xét theo doanh thu trong quý II đến từ Mỹ. Chỉ có duy nhất ba cái tên đến từ những khu vực khác gồm Samsung Electronics và SK hynix của Hàn Quốc cũng như MediaTek của Đài Loan.

Lê Pháp (t/h)