Gấp rút và cẩn trọng
Ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố lịch thi THPT 2018, các trường THPT toàn quốc đã bắt tay vào xây dựng kế hoạch ôn tập nhằm đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng cho học sinh; đồng thời chú ý tăng cường tư vấn, hướng nghiệp, giúp học sinh có sự lựa chọn tối ưu nhất trước kỳ thi mang tính bước ngoặt.
Đến nay, công tác chuẩn bị đã và đang được các trường tổ chức chu đáo, sẵn sàng cho kỳ thi diễn ra.
Cô giáo Bùi Thanh Hoa (Trường THPT Nguyễn Tất Thành, Phú Thọ) chia sẻ những giải pháp ôn luyện hiệu quả trong giai đoạn nước rút: Mỗi thí sinh trong cùng một phòng thi trắc nghiệm có mã đề thi riêng, đề thi không chỉ có bài tập vận dụng, mà còn có rất nhiều câu hỏi lý thuyết và ứng dụng thực tế. Điều này, đòi hỏi học sinh phải nắm chắc kiến thức và có hiểu biết rộng. Nội dung thi đều được chia đều, hỏi rất chi tiết; đề có mở rộng nội dung lớp 11; đề thi có tính phân hóa cao nên đòi hỏi học sinh phải ôn tập rất kỹ, sâu, biết xâu chuỗi các mảng kiến thức dưới dạng sơ đồ tư duy nhằm hiểu rõ yêu cầu đề bài. Bên cạnh đó, học sinh cần ghi nhớ và rèn cho mình kỹ năng quan sát, kỹ năng phân bổ thời gian hợp lý.
Học sinh Nguyễn Thanh Tùng (Trường THPT Nguyễn Tất Thành, Phú Thọ) chia sẻ kinh nghiệm để có thể đạt kết quả cao nhất trong kỳ thi sắp tới: “Em đã đạt kết quả cao trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh và kỳ thi thử tốt nghiệp vào cuối tháng 4 vừa qua. Để có kết quả khả quan, em thường học nhóm và thảo luận nhóm với các bạn. Em đang chuẩn bị tâm lý vững vàng và nghỉ ngơi hợp lý để tham gia kỳ thi THPT tốt nhất. Khi làm bài thi, em sẽ kiểm tra thật kỹ đề trong vòng 10 phút; tuyệt đối không để trống đáp án với bài trắc nghiệm; câu hỏi dễ làm trước, câu hỏi khó làm sau; tự trả lời trước đọc đáp án sau; dùng phương pháp loại trừ; phân bổ thời gian hợp lý”…
Tất bật và khẩn trương
Những ngày này, công việc của cán bộ, nhân viên phòng khảo thí và kiểm định chất lượng của các sở GD&ĐT tất bật và khẩn trương hơn, do phải chuẩn bị cho kỳ thi THPT 2018. Tính đến đầu tháng 5/2018, các sở đã hoàn tất công việc (triển khai những điểm mới của kỳ thi, tập huấn cho cán bộ thu nhận hồ sơ thí sinh, xây dựng phương án bố trí số lượng điểm thi, phòng thi…).
Đáng chú ý, thực hiện chỉ đạo của Bộ GD&ĐT nhằm đảm bảo an toàn, hạn chế rủi ro cho hệ thống, đồng thời đảm bảo thống nhất, đồng bộ tiến trình, tiến độ các khâu kỳ thi, các sở giáo dục đã tập trung kiểm tra, rà soát đối chiếu dữ liệu đã nhập lên hệ thống với hồ sơ đăng ký dự thi của thí sinh để tránh sai sót.
Theo Cục phó Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) Trần Văn Nghĩa: Năm nay, mỗi tỉnh, thành phố sẽ có một cụm thi, do sở GD&ĐT địa phương phối hợp với các trường đại học, cao đẳng chủ trì nhằm đảm bảo đúng quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp. Trong số 63 cụm thi THPT quốc gia trên toàn quốc năm 2018, có 3 cụm thi có sự tham gia của các trường đại học đông đảo nhất (cụm thi số 1 tại Hà Nội, cụm thi số 2 tại TP. Hồ Chí Minh và cụm thi số 28 tại Nghệ An). So với mùa thi trước, số lượng thí sinh năm nay không biến động lớn, vẫn khoảng 860.000 thí sinh sẽ dự thi THPT quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng.
Để giúp thí sinh không ngỡ ngàng với cách thức thi, nhiều trường đã tổ chức cho học sinh thi thử, ngoài ra trong kỳ kiểm tra học kỳ 2 của lớp 12 vừa qua, các sở GD&ĐT đã tổ chức giống với phương thức của kỳ thi THPT quốc gia.
Ông Trần Văn Nghĩa nhấn mạnh, kỳ thi THPT quốc gia năm nay có một số điểm mới. Để đăng ký dự thi và xét tuyển không gặp những sai sót đáng tiếc, thí sinh cần rà soát, lưu ý: Phạm vi ra đề thi năm nay, ngoài chương trình lớp 12, còn có các câu hỏi nằm trong chương trình lớp 11; điểm các bài thi, môn thi được làm tròn đến 2 chữ số thập phân; thí sinh tốt nghiệp trung cấp dự thi để xét công nhận tốt nghiệp phải có học bạ THPT hoặc giáo dục thường xuyên hệ THPT; thời gian giữa 2 môn thành phần của bài thi tổ hợp được rút ngắn (thời gian phát đề và thu đề là 5 phút); điều chỉnh mức điểm ưu tiên khu vực trong tuyển sinh là 0,25 điểm. Bộ GD&ĐT không quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với phần lớn các ngành, trừ ngành sư phạm.
Tuy nhiên, các trường phải công khai ngưỡng chất lượng đầu vào, trước khi thí sinh điều chỉnh đăng ký xét tuyển.
Chuẩn bị thật chu đáo
Thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục hoàn thiện ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa phục vụ ra đề thi; thành lập Hội đồng ra đề thi và triển khai hoạt động của Hội đồng tại khu vực cách ly.
Tăng cường hoàn thiện phần mềm quản lý thi và tuyển sinh, nâng cấp kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thi và tuyển sinh; thành lập các đoàn kiểm tra thi và tuyển sinh của Ban chỉ đạo và triển khai hoạt động kiểm tra công tác chuẩn bị kỳ thi THPT 2018 tại các địa phương, đơn vị; hướng dẫn xử lý những khó khăn, vướng mắc trong quá trình chuẩn bị tổ chức thi và tuyển sinh.
Theo kế hoạch, thời gian này, các sở GD&ĐT sẽ làm việc với các trường đại học được Bộ GD&ĐT điều động, phối hợp tổ chức kỳ thi THPT về thống nhất phương án tổ chức, số lượng cán bộ coi thi, chấm thi. Chuẩn bị tốt các điều kiện cơ sở vật chất, tài chính đảm bảo tổ chức thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế. Lưu ý việc bố trí các điểm thi của hội đồng thi; kế hoạch in sao, vận chuyển, nhất là bảo quản đề thi, bài thi tại các điểm thi và cơ sở vật chất thiết bị, nhân lực thực hiện đảm bảo bảo mật an toàn cho đề thi, bài thi của kỳ thi trong suốt quá trình tổ chức thi.
Đồng thời, ngành giáo dục tiếp tục rà soát cơ sở vật chất, nhân lực thanh tra công tác chuẩn bị cho kỳ thi tại các trường THPT, chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, UBND các cấp đảm bảo an toàn an ninh, giao thông, an toàn thực phẩm trong suốt những ngày diễn ra kỳ thi.
“Các em cần xác định được mục đích của kỳ thi, lựa chọn ngành học phù hợp, xây dựng thời gian biểu ôn tập và nghỉ ngơi hợp lý, không nên có tâm lý quá lo lắng căng thẳng về kỳ thi, nhưng cũng không được chủ quan. Sự chuẩn bị kỹ lưỡng và sự tự tin - là nhân tố quan trọng để các em đạt kết quả cao. Các bậc phụ huynh kịp thời động viên, chú ý chế độ dinh dưỡng hợp lý để các con vượt qua kỳ thi quan trọng này”, cô giáo Bùi Thanh Hoa chia sẻ.
Năm 2018, việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia được tính toán mức phí trên 35 tỉ đồng, bao gồm từ việc tập huấn nghiệp vụ thi, ra đề, chi phí địa điểm làm việc, ăn ở, thuê hạ tầng, vận hành, nâng cấp phần mềm quản lý thi, vận chuyển đề, chấm thi, kiểm tra thi. Riêng số tiền được tính toán mua, thuê máy móc vật tư phục vụ ra đề thi là trên 19 tỉ đồng.
Hoan Nguyễn