Theo Sở Công Thương Hà Nội, trong dịp Tết Nguyên đán 2023, dự báo nhu cầu của người dân mua sắm hàng hóa phục vụ Tết tăng từ 15% đến 20%.

Do đó, Hà Nội đã bảo đảm dự trữ nguồn cung tăng từ 30% đến 35%. Trong đó, ngoài hàng hóa Hà Nội giao cho các hệ thống phân phối tăng 15% so với nhu cầu năm trước thì các doanh nghiệp phải dự trữ tăng 30%.

Người dân mua sắm hàng Tết tại một siêu thị ở Hà Nội.
Người dân mua sắm hàng Tết tại một siêu thị ở Hà Nội.

Các đơn vị sẽ cung ứng hàng bình ổn giá tới hơn 12.000 điểm bán hàng trên toàn thành phố Hà Nội. Trong đó, có 132 siêu thị, trên 8.000 cửa hàng kinh doanh tổng hợp và hàng loạt điểm bán hàng lưu động về các huyện ngoại thành, nhằm đưa hàng hóa thiết yếu bình ổn đến với người nghèo, người còn khó khăn để mọi người đón Tết được đầy đủ hơn.

Được biết, năm nay chương trình bình ổn thị trường không chỉ thực hiện với các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội mà còn phối hợp với cả các doanh nghiệp ở các tỉnh, thành phố khác.

Tiếp tục đẩy mạnh điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP

Ngày 20/12, Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với UBND quận Ba Đình khai trương thêm một Điểm giới thiệu và bán sản phẩm Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đây là địa chỉ gắn với nghề truyền thống đúc đồng Ngũ Xã, một trong bốn nghề quan trọng, nổi tiếng trong đời sống kinh kỳ thời xưa gồm: Dệt Yên Thái; Gốm Bát Tràng; Vàng Định Công; Đồng Ngũ Xã.

Theo bà Nguyễn Kiều Oanh, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội: Việc mở Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP gắn với các địa điểm kinh doanh, du lịch làng nghề, du lịch nông thôn trên địa bàn thành phố nhằm kết nối, đưa sản phẩm OCOP vào Điểm OCOP phục vụ người tiêu dùng, từ đó nhận biết, ưu tiên lựa chọn tiêu thụ, góp phần quảng bá, nâng cao giá trị, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP của Thủ đô và các tỉnh, thành phố.

Năm 2023, Sở Công Thương Hà Nội rất mong UBND quận Ba Đình tiếp tục vào cuộc, thông tin, vận động thêm các doanh nghiệp, cửa hàng, cơ sở kinh doanh có mặt bằng, vị trí phù hợp đăng ký tham gia mạng lưới Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Để Chương trình OCOP có ý nghĩa thiết thực không chỉ đối với các chủ thể OCOP mà còn có hiệu quả đối với các doanh nghiệp, đơn vị tham gia mạng lưới Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Ông Cồ Như Dũng - Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình cho biết, trong năm 2021, 2022, UBND quận đã tổ chức 7 Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn quận. Những điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP này là một địa chỉ thuộc làng nghề có lịch sử phát triển hơn 400 năm, là một trong bốn làng nghề truyền thống nổi tiếng tại mảnh đất ngàn năm văn hiến.

Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP gắn với nghề truyền thống đúc đồng Ngũ Xã
Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP gắn với nghề truyền thống đúc đồng Ngũ Xã.

Ngoài việc lưu giữ những tinh hoa của nghề, xưởng đúc đồng Ngũ Xã của Công ty TNHH đúc đồng truyền thống Ngũ Xã, đây cũng là gia đình duy nhất có 4 thành viên trong gia đình được công nhận là nghệ nhân cho những cống hiến đối với nghề đúc đồng. Những sản phẩm được làm ra bởi bàn tay tài hoa của các nghệ nhân đúc đồng Ngũ Xã, các họa tiết, hoa văn trên mỗi sản phẩm luôn chưa đựng những nét văn hóa truyền thống của người Việt.

Minh An (T/h)