Một trong những bộ SGK lớp 1 của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã được Hội đồng quốc gia thẩm định (Ảnh TTXVN)

Một trong những bộ SGK lớp 1 của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã được Hội đồng quốc gia thẩm định (Ảnh TTXVN)

Chuẩn bị cho chương trình SGK lớp 1 mới, Bộ GD&ĐT đã tiếp nhận 49 bản thảo ở 9 môn học được đề nghị thẩm định. Sau hai vòng thẩm định của đợt đầu tiên, có 38 bản thảo SGK được hội đồng thẩm định SGK quốc gia đánh giá đạt và bàn giao cho Bộ GD&ĐT.

Bộ GD&ĐT cũng đang trưng cầu ý kiến về dự thảo hướng dẫn chọn SGK, dự kiến ban hành vào tháng 12. Căn cứ vào đó, các địa phương sẽ tiến hành quy trình chọn SGK và kết hợp với các tổ chức, tác giả soạn SGK tập huấn cho giáo viên các nhà trường trong việc sử dụng SGK.

Được biết, trong số 5 bản mẫu SGK lớp 1 chương trình giáo dục phổ thông mới qua vòng 2 thẩm định, NXB Giáo dục Việt Nam có 4 bản mẫu. Bản mẫu SGK còn lại thuộc về 2 NXB là ĐH Sư phạm Hà Nội và ĐH Sư phạm TPHCM.

Hiện các NXB đang chờ Bộ GD&ĐT hoàn thiện các thủ tục cuối cùng để công bố các bản SGK đạt yêu cầu trước dư luận. Sau khi công bố, các sở GD&ĐT sẽ phải có trách nhiệm tham mưu cho UBND địa phương thành lập hội đồng thẩm định của tỉnh, thành phố để chọn ra bộ sách phù hợp với địa phương mình. Việc lựa chọn SGK như thế nào cũng sẽ được Bộ GD&ĐT có văn bản hướng dẫn cụ thể. 

Việc triển khai SGK mới được thực hiện theo lộ trình: Năm 2020 là lớp 1; năm 2021 lớp 2 và lớp 6; năm 2022 lớp 3, lớp 7 và lớp 10; năm 2023 lớp 4, lớp 8 và lớp 11; năm 2024 lớp 5, lớp 9 và lớp 12. 

PV