Nhằm hưởng ứng 25 năm Việt Nam gia nhập Diễn đàn Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương APEC (1998 – 2023) và tinh thần hội nhập quốc tế theo Nghị quyết Chính phủ 93/NQ-CP ngày 05/07/2023 về nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh về bền vững giai đoạn 2023 - 2030, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội (Trung ương Hội Nghiên cứu khoa học về Đông Nam Á), Tạp chí Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương cùng Công ty CP Truyền thông và Phát triển Văn hóa Việt Nam tổ chức chương trình: Diễn đàn Thượng đỉnh doanh nghiệp, thương hiệu Châu Á - Thái Bình Dương 2024. Sự kiện dự kiến tổ chức vào tháng 01/2024 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, Hà Nội (asiasummit.com.vn).
Hội nghị có sự tham dự của các bộ, ban ngành, nhà lãnh đạo, quản lý cấp cao trong nước và quốc tế. Đồng thời là nơi những nhà lãnh đạo, doanh nghiệp, doanh nhân đối thoại về cơ hội, thách thức và xu hướng kinh tế - xã hội khu vực, toàn cầu. Chương trình sẽ tập chung vào các vấn đề: Phát triển bền vững; Hội nhập; Kinh tế số; Sáng tạo và truyền cảm hứng.
Chương trình nhằm thúc đẩy các hoạt động phát triển thương hiệu, doanh nghiệp, doanh nhân, tạo đà trong hợp tác, hội nhập kinh tế quốc tế, đóng góp tích cực trong việc đẩy mạnh giá trị thương hiệu Việt Nam thông qua công nhận những nỗ lực thành tựu của doanh nghiệp, thương hiệu có thành tích đóng góp tích cực cho nền kinh tế đất nước trong thời kỳ hội nhập kinh tế toàn cầu ở các hạng mục: Thương hiệu uy tín bền vững Châu Á - Thái Bình Dương; Nhà lãnh đạo hội nhập truyền cảm hứng Châu Á - Thái Bình Dương; Sản phẩm uy tín tiêu biểu Châu Á - Thái Bình Dương; Doanh nghiệp Xanh tiên phong trong giảm thiểu cacbon hướng đến phát thải bằng 0; Doanh nghiệp công nghệ số tiêu biểu Châu Á - Thái Bình Dương; Nhà hoạt động Văn hóa - Xã hội tiêu biểu.
Theo đánh giá của tổ chức Brand Finance, Việt Nam được đánh giá là điểm sáng trong bức tranh xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia toàn cầu và là thương hiệu quốc gia có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới. Năm 2019, giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam mới chỉ được Brand Finance định giá là 274 tỷ USD, năm 2020 là 319 tỷ USD tăng 29%, năm 2021 là 388 tỷ USD tăng 21%, thì năm 2022 đã là 431 tỷ USD. Đây là sự nỗ lực không mệt mỏi của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân.
Cách đây 25 năm (1998), Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên của Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Giây phút lịch sử này đánh dấu bước triển khai mạnh mẽ chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập kinh tế quốc tế của Đảng và Nhà nước ta, tạo động lực cho tiến trình đổi mới và hội nhập của đất nước trong hai thập kỷ qua. Kỷ niệm 25 năm đồng hành cùng APEC, chúng ta nhìn lại chặng đường đã qua với những dấu ấn đáng tự hào, từ đó nỗ lực đóng góp hơn nữa cùng vun đắp tương lai chung về một cộng đồng Châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, thịnh vượng.
Là cơ chế hợp tác kinh tế hàng đầu tại Châu Á - Thái Bình Dương, nơi hội tụ các trung tâm kinh tế, thương mại và công nghệ lớn toàn cầu, Châu Á - Thái Bình Dương quy tụ 14 trên 28 đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và là các đối tác kinh tế hàng đầu của nước ta, chiếm 75% kim ngạch xuất nhập khẩu, 78% tổng vốn đầu tư trực tiếp và 79% lượng khách du lịch quốc tế của Việt Nam. 14 trong 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA) nước ta đã, đang đàm phán và ký kết là minh chứng rõ nét tầm quan trọng của APEC đối với phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.
Châu Á - Thái Bình Dương góp phần quan trọng nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam. Là thành viên APEC, Việt Nam có vai trò, tiếng nói ngang hàng với nhiều trung tâm kinh tế hàng đầu thế giới trong việc xây dựng, định hình các luật lệ, quy tắc về kinh tế, thương mại khu vực. Điều này có ý nghĩa quan trọng để chúng ta đẩy mạnh triển khai chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế và nâng tầm đối ngoại đa phương.
Trong một thế giới công nghệ siêu kết nối, Châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục khẳng định là một trung tâm phát triển năng động hàng đầu thế giới, có vị trí địa kinh tế và địa chính trị chiến lược quan trọng, là động lực của tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu, một trung tâm chính trị trọng yếu của thế giới. Là cơ chế liên kết kinh tế quan trọng hàng đầu tại Châu Á - Thái Bình Dương, tiếp tục tiên phong thúc đẩy thương mại, đầu tư, kết nối, phát huy mạnh mẽ vai trò lãnh đạo trong quản trị kinh tế toàn cầu, thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững đến 2030 và ứng phó với các thách thức chung.
Bước sang thập kỷ phát triển thứ tư, trước những chuyển biến nhanh chóng và sâu sắc của cục diện thế giới và khu vực, dưới tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Cộng đồng doanh nghiệp Châu Á - Thái Bình Dương đang chuyển mình căn bản, ngày càng mở rộng nội hàm hợp tác theo hướng thiết thực hơn, vì lợi ích của người dân và doanh nghiệp.
Sau hơn 30 năm đổi mới và hội nhập quốc tế, Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển chiến lược với vị thế và tầm vóc mới, tiếp tục đổi mới toàn diện, hội nhập quốc tế sâu rộng và nâng tầm đối ngoại đa phương. Châu Á - Thái Bình Dương và APEC tiếp tục là một trong những trọng điểm trong triển khai chủ trương đối ngoại của nước ta trong thời kỳ mới.
Minh Anh