Với chủ đề “Điểm đến kết nối chất lượng”, Vietfish đã trở lại sau hai năm tạm ngưng vì dịch Covid-19, đem đến một sân chơi chuyên nghiệp quy mô quốc tế cho các Nhà quản lý - Nhà cung cấp - Nhà bán lẻ - Giới chuyên môn - Đơn vị sản xuất, chế biến và xuất khẩu thủy sản cùng gặp gỡ, trao đổi, giới thiệu các sản phẩm mới, công nghệ mới; hợp tác sản xuất và xuất khẩu.
Triển lãm sẽ quy tụ gần 200 đơn vị với 362 gian hàng đến từ đa dạng lĩnh vực. Vietfish 2022 không chỉ là sân chơi kết nối các doanh nghiệp hàng đầu về tôm, cá, nhuyễn thể… mà còn là nơi cập nhập thông tin, thành tựu mới nhất tại từng khâu, như: con giống, thức ăn chăn nuôi, chế phẩm sinh học, công nghệ thiết bị, sản xuất chế biến.
Khách tham dự có thể trải nghiệm trực tiếp các mô hình, công nghệ và đánh giá trực tiếp chất lượng thủy sản thông qua các sản phẩm tươi sống hoặc chế biến sẵn tại gian hàng.
Người tiêu dùng Việt Nam sẽ có dịp tìm hiểu và thưởng thức những sản phẩm thủy sản 100% Việt Nam đạt những tiêu chuẩn cao nhất về an toàn thực phẩm, cung cấp đến 165 quốc gia trên thế giới.
Bên cạnh đó, các buổi hội thảo chuyên đề với sự tham gia chia sẻ, thảo luận từ các chuyên gia kinh tế, nhà khoa học, chủ doanh nghiệp cũng mang đến các góc nhìn đa chiều cùng nhiều thông tin hữu ích nhằm hướng tới ổn định sản xuất; giải quyết các thách thức về tính bền vững rong sinh thái, xã hội; tận dụng thời cơ nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của các sản phẩm thủy sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Sự phục hồi nhanh chóng của các thị trường nhập khẩu sau đại dịch Covid-19 cùng với biến động về nguồn cung cá thịt trắng từ Nga đã và đang mở đường cho ngành thủy sản Việt Nam tăng tốc phục hồi và chiếm được nhiều lợi thế trong những quý đầu năm 2022. Để tiếp tục gia tăng ưu thế cạnh tranh và phát huy những thuận lợi đạt được giai đoạn vừa qua, thách thức lớn nhất cho ngành thủy sản Việt Nam là thiết lập được hệ cân bằng mới: Cân bằng giữa khả năng cung ứng và nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường trọng điểm; cân bằng giữa sản lượng và chất lượng theo các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe trên thế giới; cân bằng giữa chi phí sản xuất và lợi nhuận thực tế để đảm bảo biên độ lợi nhuận tối thiểu cho toàn chuỗi; cân bằng giữa năng suất, hiệu suất và giới hạn sinh thái để đảm bảo tính bền vững toàn ngành, đặc biệt khi các vấn đề biến đổi khí hậu và môi trường đang và sẽ gây ra những thách thức lớn cho ngành thủy sản Việt Nam.
Để hiện thực hóa được những mục tiêu đó, cần sự chung tay phối hợp của toàn ngành, toàn chuỗi giá trị để Việt Nam xứng đáng là top 3 quốc gia cung cấp thủy sản hàng đầu cho thị trường thế giới.
Minh Anh