THCL Ngày 9/12, tại Hội nghị "Thúc đẩy cải tiến, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa ngành công thương", lãnh đạo ngành công thương cho biết năng suất lao động của Việt Nam đang có sự tăng trưởng rõ rệt.
Ảnh minh họa
Nếu như năm 1990, năng suất lao động chỉ khoảng 2.800 USD/người, thì đến nay đã tăng lên hơn 8.000 USD/người/năm, tăng gấp 3 lần sau hơn 20 năm. Điều này chứng tỏ những cố gắng của Việt Nam trong việc giảm dần khoảng cách năng suất so với các nước phát triển khác.
Đặc biệt, sau giai đoạn I của Chương trình 712 (2011 - 2015), đã cho thấy những hiệu quả rõ rệt với 65% tiêu chuẩn Việt Nam được công bố phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế; hàng nghìn doanh nghiệp được hỗ trợ áp dụng hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng; áp dụng các hệ thống quản lý ISO; áp dụng các cải tiến năng suất; 53 địa phương xây dựng, triển khai dự án năng suất chất lượng…
Theo ông Nguyễn Phú Cường, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ (Bộ Công thương), kết quả tính toán năng suất của các ngành công nghiệp do Bộ Công thương thực hiện cho thấy, những ngành công nghiệp có năng suất lao động cao gồm năng lượng, thép, hóa chất (dao động từ 450 triệu đến trên 1 tỷ đồng/người/năm). Nhóm ngành có năng suất lao động thấp là dệt may, da giày.
“96% các doanh nghiệp ở Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hạn chế nhiều mặt, đặc biệt là trình độ công nghệ với trên 80% được đánh giá ở mức trung bình và thấp, khả năng hấp thụ công nghệ, đổi mới sáng tạo hạn chế được xem là “vùng trũng nhất”, kéo dài nhiều năm trong sơ đồ cạnh tranh quốc gia của Việt Nam so với thế giới” ông Cường nhận định.
Đặc biệt, theo lãnh đạo Vụ Khoa học Công nghệ, yếu điểm của Việt Nam hiện vẫn nằm ở tư duy, kinh doanh manh mún, nhỏ lẻ, biểu hiện rõ nét nhất là trình độ quản lý, quản trị doanh nghiệp lạc hậu, chưa bắt với những xu hướng hiện đại của doanh nghiệp trên thế giới.
Dù đã có những bước tiến rõ rệt, nhưng thực trạng năng suất ở Việt Nam vẫn đang có một khoảng cách khá lớn so với các nước phát triển và đang phát triển trong khu vực khi Singapore gấp 14,5 lần, Nhật Bản gấp 10,8 lần, Malaysia gấp 7,3 lần và Thái Lan gấp 2,9 lần năng suất lao động của Việt Nam.
Bên cạnh đó, báo cáo chi tiết của Viện năng suất Việt Nam chỉ ra rằng, trong 8 ngành kinh tế đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế của đất nước bao gồm dệt may, da giầy, nhựa, thép, hóa chất, cơ khí chế tạo, năng lượng, điện, điện tử, tin học thì ngành năng lượng có mức giá trị gia tăng cao nhất với trên 350.000 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng của ngành khoảng 6,4%/ năm. Đây cũng chính là ngành có năng suất lao động cao, năm 2015, đạt khoảng 1 tỷ đồng/người lao động.
Hải Minh