Theo Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, ngay trong năm 2017 - 2018 sẽ có 10.000 căn, đến 2023 có khoảng 50.000 căn và năm 2030 là 340.000 căn.

Gần 1,4 triệu công nhân sẽ có nhà giá rẻ

Ông Trần Văn Khải, Trưởng ban Quản lý dự án thiết chế công đoàn thuộc Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam (VN), giải thích thêm các khu căn hộ này sẽ gắn với 340 siêu thị, 340 nhà đa năng, 340 nhà trẻ và các dịch vụ thiết yếu khác tạo chỗ ở có chất lượng cho gần 1,4 triệu công nhân, người lao động đang làm việc tại các KCN, KCX. Mỗi tổ hợp công trình xây dựng đồng bộ trên diện tích từ 3 - 5 ha, gồm nhà ở, nhà trẻ, siêu thị, công trình văn hóa, thể thao, cây xanh... Một khu nhà sẽ có khoảng 1.000 căn hộ, diện tích từ 30 - 45 m2/căn, giá bán 150 triệu đồng/căn trở lên, đáp ứng chỗ ở có chất lượng cho khoảng 4.000 đoàn viên là công nhân, người lao động đang làm việc tại các KCN, KCX có khó khăn về nhà ở.

Người mua nhà có thể trả tiền toàn bộ hoặc trả góp tới 15 năm, theo chính sách hỗ trợ lãi suất tín dụng mua nhà ở xã hội nếu Chính phủ còn nguồn với lãi suất năm 2018 là 5%/năm hoặc các gói tín dụng thương mại mà các ngân hàng thương mại nhà nước hợp tác đồng hành cùng với Tổng liên đoàn Lao động VN với lãi suất hiện nay là 7,5%/năm.

Sẽ có hàng ngàn căn nhà ở xã hội giá 150 triệu đồng cho công nhân - Hình 1

Căn hộ cho công nhân với giá rẻ

Sở dĩ căn hộ có mức giá thấp như vậy, bởi đây là chương trình hỗ trợ công nhân là đoàn viên công đoàn, chương trình phi lợi nhuận nên tối giản tất cả các chi phí. Ví dụ, tất cả các khu nhà đều có chung một mẫu thiết kế, doanh nghiệp xây dựng không phải đóng thuế về xây dựng, các địa phương cấp đất không thu tiền và đảm bảo đất sạch, san lấp mặt bằng, đủ hạ tầng về giao thông, thoát nước, điện, thông tin. Phía công đoàn hỗ trợ phần chi phí hạ tầng nên các công trình văn hóa thể thao, công viên, cây xanh... không tính vào giá thành căn hộ. Đồng thời, công đoàn kêu gọi sự trợ giúp của các nhà cung cấp vật liệu theo hướng là mua nhiều giảm giá. “Các địa phương có trách nhiệm bố trí quỹ đất sạch từ 3 - 5 ha, nguồn vốn để giải phóng mặt bằng và san nền, đồng thời đấu nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật đến chân hàng rào dự án", đại diện Tổng liên đoàn lao động cho biết.

Được biết, tại Bình Dương đã xây dựng hàng ngàn căn nhà ở xã hội cho công nhân diện tích 30m2 giá bán chỉ từ 100 - 200 triệu đồng/căn theo mô hình này.

Chính quyền tỉnh Bình Dương hỗ trợ đầu tư toàn bộ hạ tầng và giao cho Tổng công ty Becamex IDC, một công ty trực thuộc chính quyền quản lý thực hiện.

Theo các chuyên gia, sở dĩ Bình Dương có thể xây dựng được các căn hộ giá rẻ như vậy bởi các khu nhà đều nằm trong khu vực đã được quy hoạch thành phố mới Bình Dương có quy mô 1.011 ha hoặc trong các KCN đã được đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh, có các tuyến xe buýt nhanh, có hệ thống các trường học, bệnh viện, công viên, khu thể dục thể thao, vui chơi giải trí, thương mại…

Các chung cư được xây dựng chỉ cao 5 tầng, không có thang máy, chiều cao thông tầng khoảng 4 m, các căn hộ có diện tích 30m2 bao gồm 20m2 sàn và 10 m2 gác lửng hoàn thiện cơ bản bên trong căn hộ. Trong khi đó, các căn hộ tầng trệt có diện tích 45 m2 có thể vừa ở vừa làm dịch vụ, kinh doanh. Do nền đất ở Bình Dương vững nên việc xây dựng, làm móng dễ dàng và không tốn nhiều chi phí san lấp mặt bằng.

Lãnh đạo một công ty bất động sản đang thực hiện dự án nhà ở xã hội cho công nhân tại Long An tính toán, nếu hạ tầng được nhà nước hỗ trợ xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách thì giá bán căn hộ chỉ trên giá thành xây dựng. Nếu chung cư xây dựng 5 tầng và không thang máy, giá bán chỉ 5 triệu đồng/m2, như vậy mỗi căn hộ 30 m2 giá chỉ 150 triệu đồng. Nếu chung cư cao tầng sử dụng thang máy giá bán khoảng 8 triệu đồng/m2. Nếu doanh nghiệp đầu tư toàn bộ hạ tầng, giá căn hộ 5 tầng khoảng 8 triệu đồng/m2, căn hộ 30 m2 giá sẽ 240 triệu đồng. Nếu chung cư cao tầng giá bán khoảng 11 triệu đồng/m2. “Để có giá nhà rẻ như vậy cần phải có sự quyết tâm, hỗ trợ rất lớn từ phía chính quyền địa phương, nhất là hỗ trợ về khâu thủ tục hành chính. Thời gian nhanh sẽ giảm bớt chi phí. Như ở tỉnh Bình Dương đã đưa chủ trương làm nhà giá rẻ cho công nhân vào chương trình trọng điểm là phát triển nhà ở xã hội, nhà ở an sinh xã hội, yêu cầu cả hệ thống chính trị phải hỗ trợ thực hiện”, vị này cho hay.

Có mặt tại KCX Tân Thuận (Q.7, TP.HCM), các công nhân tại đây cho biết nếu có những căn hộ giá rẻ 150 triệu đồng/căn, với thu nhập lương 5 - 7 triệu đồng/tháng thì họ hoàn toàn có thể mua được. Anh Thắng, một công nhân đang làm việc tại đây, cho biết hai vợ chồng anh làm công nhân, lương anh mỗi tháng khoảng 7 triệu đồng, vợ anh khoảng 5 triệu đồng. Hiện vợ chồng anh có một đứa con phải đi thuê nhà mỗi tháng khoảng 3 triệu đồng/căn phòng trọ rộng chưa đến 20 m2. Nếu trừ hết chi phí ăn ở và cho con đi học, mỗi tháng gia đình anh chỉ dư được khoảng 3 - 4 triệu đồng. “Nếu nhà nước đầu tư một khu nhà ở cho công nhân có nhà trẻ, trường học, bệnh viện, công viên... mà giá chỉ khoảng 150 triệu đồng/căn hộ 30 m2 thì tôi và nhiều người khác sẽ mua ngay bởi ở chung cư cũng sạch sẽ, văn minh, an toàn. Khi có nhà rồi công nhân sẽ cố gắng làm việc trả nợ và gắn bó với công ty hơn chứ như hiện nay thu nhập và chỗ ở không ổn định nên công nhân cũng không yên tâm làm việc”, anh Thắng cho hay.

Chung tay giải bài toán vốn

Trước mắt, chương trình đang xây dựng 976 căn hộ tại Hà Nam, với tổng vốn đầu tư khoảng 559 tỉ đồng. Hiện tỉnh Hà Nam đã bố trí quỹ đất sạch 4,5 ha tại TT.Đồng Văn (cách KCN Đồng Văn 2 khoảng 1 km), san nền đến cốt quy hoạch và đầu tư kết nối đầy đủ hệ thống hạ tầng kỹ thuật tới chân hàng rào dự án và bàn giao đất sạch cho Tổng liên đoàn Lao động VN. Các hạng mục công trình theo quy hoạch gồm 20 block cao 5 tầng với 976 căn hộ diện tích từ 30 - 45 m2. Các công trình dịch vụ, hạ tầng xã hội thuộc dự án gồm: nhà thi đấu đa năng quy mô 500 chỗ ngồi, quảng trường với sức chứa 5.000 người, siêu thị, phòng khám, nhà thuốc, các khu sân thể thao, công viên vui chơi giải trí... Trong đó, sẽ dành 208 căn có diện tích 30 m2 để cho đoàn viên công đoàn là công nhân, người lao động tại khu công nghiệp thuê với giá cho thuê từ 250.000 đồng/người/tháng; dành 768 căn còn lại có diện tích từ 30 - 45 m2 để bán cho đoàn viên công đoàn là công nhân và người lao động với giá chỉ từ 150 - 350 triệu/căn tùy diện tích, vị trí. Khi hoàn thành dự án sẽ tạo chỗ ở cho khoảng 4.000 - 4.500 đoàn viên là công nhân, người lao động tại KCN.

Theo tiến độ dự kiến, quý 1/2019 các căn hộ trên sẽ mở bán và hết quý 4/2019 những căn nhà đầu tiên sẽ được bàn giao cho công nhân, người lao động. Tổng liên đoàn Lao động VN đã thương thảo, đàm phán và nhận được cam kết chính thức bằng văn bản của các ngân hàng cho công nhân vay tới 70% giá trị căn hộ, lãi suất cho vay năm đầu là 7,5%/năm, thời gian cho vay tối đa là 20 năm, tài sản bảo đảm là căn hộ hình thành từ nguồn vốn vay. Theo đó, nếu mua căn hộ có diện tích 30 m2 với giá 150 triệu đồng, công nhân vay 70% giá trị căn hộ để mua nhà với thời gian vay 20 năm, thì tháng đầu tiên, công nhân sẽ phải trả 1,028 triệu gồm cả tiền gốc và lãi. Tại năm cuối cùng của kỳ trả gốc và lãi, mỗi tháng công nhân chỉ phải trả 588.000 đồng/tháng.

Theo kế hoạch của Tổng liên đoàn Lao động VN, trong giai đoạn 2017 - 2018 sẽ đầu tư khoảng 10.000 căn hộ, đến năm 2023 sẽ xây dựng khoảng 50.000 căn và phấn đấu đến năm 2030, tổ chức công đoàn VN sẽ xây dựng khoảng 340.000 căn hộ, tạo chỗ ở có chất lượng cho khoảng 1,34 triệu công nhân, người lao động đang làm việc tại các KCN, KCX.

Sẽ có hàng ngàn căn nhà ở xã hội giá 150 triệu đồng cho công nhân - Hình 2

Bình Dương đã xây dựng hàng ngàn căn nhà ở xã hội cho công nhân diện tích 30 m2 giá bán chỉ từ 100 - 200 triệu đồng/căn 

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, nhận xét bản chất của đề án này giống với chương trình phát triển nhà ở xã hội, nhưng chỉ phục vụ riêng cho công nhân, không giải quyết cho các đối tượng khác. Để thực hiện đề án này, Chính phủ đã bố trí vốn riêng cho chương trình này khoảng 200 tỉ đồng và thí điểm làm ở Hà Nam, Tiền Giang và Đồng Nai. Tuy nhiên, với số vốn này thì rất khó thực hiện. Không chỉ đề án này, chương trình nhà ở xã hội cũng đang gặp khó khăn về nguồn vốn. Để giải quyết bài toán vốn, theo ông Châu về lâu dài, phải có vốn mồi từ ngân sách, vốn ODA và quan trọng là xã hội hóa từ các doanh nghiệp.

Tổng liên đoàn Lao động VN cho biết nguồn vốn đầu tư xây dựng khái toán 10.307 tỉ đồng. Để giải quyết bài toán về vốn, Tổng liên đoàn Lao động VN sẽ dành 3.570 tỉ đồng (chiếm tỷ lệ 30%) từ nguồn vốn của tổ chức công đoàn (từ việc giảm chi hành chính và hoạt động phong trào ở các cấp công đoàn) và huy động hơn 6.737 tỉ đồng (chiếm tỷ lệ 70%) từ vốn vay, vốn huy động khách hàng. Hiện đề án đã được một số ngân hàng thương mại đồng ý hỗ trợ với lãi suất 7,5% trong thời hạn 20 năm cho người mua. Ngoài ra, Tổng liên đoàn Lao động VN sẽ trích nguồn vốn tích lũy của tổ chức công đoàn và các nguồn vốn hợp pháp khác đầu tư từ 300 - 500 tỉ đồng để xây dựng các hạng mục công trình nhà ở, nhà trẻ, siêu thị và các công trình văn hóa, thể thao tại mỗi dự án. Đến nay đã có 22/50 tỉnh, thành đồng ý chủ trương đầu tư và giới thiệu địa điểm đất, đang tích cực chuẩn bị các thủ tục đầu tư, đảm bảo đủ điều kiện khởi công trong quý 2/2019 sẽ tổ chức xây dựng và hoàn thành đưa vào sử dụng trong quý 4/2020.

Hải Đăng