THCL – Chỉ còn chưa đây 2 tháng nữa, thời gian bình ổn giá sữa được Bộ công thương quy định sẽ hết hiệu lực. Tuy nhiên, hiện nay Bộ công thương vẫn chưa có động thái là tiếp tục bình ổn hay "thả nổi" giá, nhưng cũng khiến người dân và cả những người kinh doanh sữa lo lắng.
Ngay sau khi nhận bàn giao công tác quản lý giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tháng tuổi từ Bộ Tài chính (13/1), ngày 16/1, Bộ Công thương đã có văn bản gia hạn thêm thời hạn bình ổn đến hết tháng 3/2017, thay vì hết tháng 12/2016.
Người tiêu dùng lo lắng giá sữa tăng
Dù đã được gia hạn thêm thời gian, nhưng cũng chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa, thời gian áp dụng giá trần các sản phẩm sữa cũng sẽ hết hiệu lực. Tuy nhiên, việc quyết định có tiếp tục được Bộ Công thương áp trần giá nữa hay không vẫn chưa có câu trả lời, điều này khiến hầu hết người tiêu dùng lo lắng.
Lo lắng giá sữa sẽ tăng và "làm loạn" thị trường nếu không được quản lý chặt chẽ (Ảnh: Bảo Lan)
Chị Đoàn Thị Thu Thủy (35 tuổi, ngụ đường Đinh tiên Hoàng, quận I, TP. HCM) cho biết có hai con nhỏ. Chị mất sữa nên từ khi mới sinh, cả hai con đều không được bú sữa mẹ nên hoàn toàn phụ thuộc vào sữa hộp. Trong khi chồng chị làm kinh doanh cho một công ty du lịch, thu nhập không cao và do con nhỏ nên chị chỉ ở nhà chăm con. Vì vậy, kinh tế gia đình phụ thuộc vào thu nhập của chồng. Hai con thì một tháng mỗi đứa khoảng 4 hộp sữa loại Abott Grow, với giá gần 300.000/hộp loại 400gr, ngót ngét cũng đã hết gần 4 triệu/tháng.
“Nếu giá sữa không được quản lý chặt chẽ, để cho các công ty sữa tự quyết định thì tôi không biết sẽ phải xoay sở như thế nào cho đủ chi phí của cả gia đình, khi mà tiền mua sữa lại đội lên và chiếm thêm một khoản chi phí...", chị Thủy lo lắng.
Chị Bích Trâm, ngụ tại quận Bình Thạnh có hoàn cảnh khó khăn hơn. Chị cho biết, thu nhập của cả hai vợ chồng đều thấp. Vì vậy, chị thường phải mua sữa lock (loại lock 4 hộp) cho con, thỉnh thoảng mới mua được hộp sữa bột dealac của Vinamilk.
“Nếu giá sữa lên nữa, chắc con tôi khó được uống sữa, vì hàng hóa giờ cũng đã tăng hơn trước rất nhiều, mà lương thì tăng chẳng thấm vào đâu”, chị Bích Trâm phân trần.
Không chỉ người tiêu dùng, ngay cả các đại lý kinh doanh sữa cũng tỏ ra quan ngại. “Trước khi có bình ổn giá, giá và các chính sách bán hàng của công ty cũng không đồng nhất nên khi bán, cứ lời là chúng tôi bán. Tuy nhiên, một số đại lý cũng bắt chẹt người tiêu dùng ghê lắm, nếu khách hàng không rành”, anh Trung, chủ một đại lý sữa (Q3 -TP. HCM) cho biết.
Anh Trung bộc bạch: “Khi giá sữa không được kiểm soát, người tiêu dùng sẽ cẩn trọng hơn về giá cả và chất lượng. Lại thêm sự cạnh tranh giữa các đại lý, làm ảnh hưởng rất lớn đến tổng doanh thu. Từ khi có bình ổn, tổng doanh thu của tôi tăng lên rõ rệt. Giá cả khỏi phải nói, nhưng chất lượng cũng được kiểm soát, khiến tôi yên tâm và cũng chả phải “săn khách” như trước kia”.
Sữa đóng vai trò quan trọng trong dinh dưỡng
Cả nước hiện có 877 sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, được công bố giá tối đa, giá đăng ký, giá kê khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính và sở tài chính các địa phương.
Hầu hết những mặt hàng sữa thông dụng, chiếm thị phần lớn trên thị trường như Dielac Alpha, Friso Gold, Frisolac Gold, Enfamil, Enfagrow A+, Similac, Lactogen, Abott Grow 3, Dumex Gold… và đều đã được quy định không cao hơn quá 15% so với mức bán sỉ.
Sữa là thực phẩm dinh dưỡng cần thiết cho mọi đối tượng, đặc biệt là trẻ em đang trong giai đoạn hoàn thiện cơ thể (Ảnh:Bảo Lan)
Có thể nói, chủ trương về việc bình ổn giá sữa, không chỉ giải quyết vấn đề về giá khi nhu cầu người tiêu dùng tăng cao, mà còn giúp các cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát được các chất lượng sữa, khi Việt Nam đang là một quốc gia đông đến hơn 90 triệu dân với hàng triệu trẻ em dưới 6 tuổi.
Chưa kể đến người già và những người ốm đau, cần một lượng sữa đáng kể khi cơ thể không tự hấp thụ được các loại thức ăn khác. Đây thực sự là một “thụ hưởng” đầy ý nghĩa, góp phần cải thiện chất lượng dinh dưỡng và nâng cao sức khỏe và dinh dưỡng cho trẻ em nói riêng và cho người dân Việt Nam nói chung.
ThS. BS. Lê Thị Hải, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia), cho biết, sữa là thực phẩm bổ sung rất cần thiết đối với trẻ em. Vì vậy, việc tiếp tục bình ổn giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi là chủ trương đúng đắn, thể hiện trách nhiệm của Nhà nước đối với trẻ em và có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển trí tuệ cho trẻ.
“Đây không chỉ vì vấn đề giá cả, mà kéo thêm nhiều vấn đề khác như nguồn sữa, chất lượng sữa. Bởi trong suy nghĩ của tôi thì những sản phẩm đã nằm trong danh sách áp giá trần sẽ chuẩn hơn, đảm bảo hơn. Thế nên, việc bình ổn giá sẽ đem lại sự an tâm hơn cho các bà mẹ trong việc lựa chọn loại sữa có chất lượng, khi chỉ cần dựa theo danh sách những mặt hàng bình ổn”, BS. Lê Thị Hải chia sẻ.
Chỉ còn 2 tháng nữa, chương trình bình ổn giá sẽ hết thời gian mà Bộ Công thương quy định. Và Bộ Công thương đang có những đề xuất, yêu cầu các cơ quan quản lý, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm báo cáo về việc tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện bình ổn giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi trên địa bàn.
Ngoài ra, Bộ cũng yêu cầu các sở nhận định thị trường, đề xuất giải pháp và kiến nghị quản lý giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi khi thời hạn bình ổn giá hết hiệu lực.
Bảo Lan