Theo đó, trong đợt dịch thứ tư, tính đến ngày 29/12/2021, TP. Hồ Chí Minh có 501.990 người nhiễm Covid-19 được Bộ Y tế công bố. Đến nay, thành phố vẫn đang tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức về chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Đáng chú ý, ông Thượng cho biết, ngành Y tế TP. Hồ Chí Minh đã ghi nhận nhiều vấn đề sức khỏe của người dân sau khi mắc Covid-19. “Tại các bệnh viện, người dân thành phố đến khám chuyên khoa sau mắc Covid-19 không ít. Các tình trạng bệnh lý được ghi nhận rất đa dạng, như cảm giác mệt mỏi, di chứng phổi, di chứng tim mạch, rối loạn tâm thần hậu Covid”.
Trên thực tế, tình trạng người dân gặp các vấn đề về tâm lý, tâm thần hậu Covid-19 đã được các chuyên gia trong nước cảnh báo. Trên thế giới, ghi nhận về triệu chứng hậu Covid-19 cũng vô cùng phức tạp. Với trẻ em, các bệnh viện TP. Hồ Chí Minh đã ghi nhận nhiều trẻ mắc hội chứng viêm đa hệ thống MIS-C có thể gây trụy tim mạch và tác động lên nhiều cơ quan. Nhiều người lớn bị lo âu, mệt mỏi, mất ngủ kéo dài, khó thở sau khi khỏi Covid-19.
Trước tình hình trên, TP. Hồ Chí Minh sẽ tổ chức tổng đài tư vấn sức khỏe tâm thần do các chuyên gia của Bệnh viện Tâm thần thành phố phụ trách. Đồng thời, khôi phục hoạt động điều trị các bệnh thông thường, chủ động phát hiện các vấn đề sức khỏe hậu Covid-19; tăng cường phối hợp đông tây y, đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người dân…
“Những vấn đề sức khỏe hậu Covid cũng được ghi nhận tại nhiều nước trên thế giới. Ngành y tế thành phố xem đây là vấn đề sức khỏe cần được đặc biệt quan tâm và là một hoạt động trọng tâm trong năm 2022", Giám đốc Sở Y tế chia sẻ.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các nhà khoa học và các quốc gia nhận định dịch Covid-19 chưa thể kiểm soát được hoàn toàn trước năm 2023. Bên cạnh đó, nguy cơ xuất hiện các chủng virus mới nguy hiểm hơn làm cho dịch diễn biến phức tạp khó lường. Tuy nhiên, việc bao phủ vaccine, có thuốc điều trị giúp giảm số ca nặng, tử vong và giảm tỷ lệ mắc.
“Với quyết tâm tăng độ bao phủ vaccine đến người dân, nhất là nhóm người có nguy cơ, cùng với những tín hiệu lạc quan về thuốc kháng virus Molnupiravir, TP có cơ sở và niềm tin để kiểm soát hiệu quả dịch bệnh”, lãnh đạo Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP. Hồ Chí Minh hôm 08/01, TP. Hồ Chí Minh đã đạt cấp độ 1 và thành phố trở thành “vùng xanh” – vùng bình thường mới sau thời gian dài chiến đấu với dịch Covid-19 khi các tiêu chí về số ca mắc mới, số ca tử vong giảm (ở mức độ 1 theo tiêu chí của Bộ Y tế là 20-<50). Đặc biệt, toàn bộ người trên 18 tuổi tại thành phố đã tiêm ít nhất một mũi vaccine (đạt trên 70% theo tiêu chí Bộ Y tế) và hơn 99,9% người từ 50 tuổi trở lên đã tiêm đủ 2 mũi vaccine. Cuối cùng là khả năng thu dung, điều trị của cơ sở khám chữa bệnh theo các tuyến, TP. Hồ Chí Minh có kế hoạch thiết lập cơ sở thu dung, điều trị và đảm bảo số giường hồi sức, cấp cứu (ICU) tại các cơ sở khám, chữa bệnh; sẵn sàng đáp ứng tình hình dịch ở cấp độ 4.
PV