Từ nguồn tin cung cấp của phóng viên Thương hiệu & Công luận, Đoàn kiểm tra - Đội Quản lý thị trường số 4 đã tiến hành kiểm tra đối với hộ kinh doanh Shop Khang Baby (địa chỉ số 55 đường Chi Lăng, thị trấn Hữu Lũng, huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn), đại diện hộ kinh doanh là bà Đỗ Thị Minh Trang.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện, tại cơ sở kinh doanh này đang bày bán một số loại hàng hóa là thực phẩm sản xuất ngoài Việt Nam, hàng hóa có dấu hiệu nhập lậu.
Cụ thể, lực lượng chức năng đã thu giữ 14 mặt hàng vi phạm, với 172 sản phẩm thực phẩm các loại, trong đó có một số sản phẩm bột ngũ cốc dinh dưỡng và sữa tắm dành cho trẻ em…
Tại thời điểm kiểm tra, chủ của hàng không xuất trình được hóa đơn chứng từ nhập khẩu hợp pháp của lô hàng.
Đoàn kiểm tra đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh Đỗ Thị Minh Trang (chưa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, do chủ hộ kinh doanh vắng mặt), buộc chủ hộ kinh doanh tiêu hủy toàn bộ hàng hoá vi phạm trên, theo quy định của pháp luật.
Trước đó, qua khảo sát địa bàn, phóng viên đã ghi nhận, tại cửa hàng trên có kinh doanh một số sản phẩm hàng hóa có dấu hiệu vi phạm về tem nhãn; cửa hàng bán hàng hóa có tem nhãn nước ngoài, nhưng không có tem phụ bằng tiếng Việt theo quy định. Đồng thời, các sản phẩm trên đều không niêm yết về giá.
Đại diện cửa hàng này cho biết, hàng hóa do cơ sở nhập về bán và không có tem nhãn phụ in trên một số sản phẩm…
Trước đó, cửa hàng này cũng đã bị lực lượng chức năng xử phạt 2 lần cũng về hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu.
Điều 7 Nghị định 43/2017/NĐ-CP quy định về nhãn hàng hóa:
Hàng nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thóa hể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc.
Trách nhiệm về ghi nhãn hàng hóa thuộc về tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa theo quy định tại Điều 9 Nghị định 43/2017/NĐ-CP sửa đổi bởi khoản 4 Điều 1 Nghị định 111/2021/NĐ-CP về nhãn hàng hóa.
Khoản 2, Điều 31 Nghị định 119/2017/NĐ-CP sửa đổi bởi khoản 49 Điều 2 Nghị định 126/2021/NĐ-CP quy định: Mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 5.000.000 đồng trở lên.
a) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng - 3.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 5.000.000 đồng - dưới 10.000.000 đồng;
b) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng - 7.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 10.000.000 đồng - dưới 20.000.000 đồng;
c) Phạt tiền từ 7.000.000 đồng - 10.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 20.000.000 đồng - dưới 30.000.000 đồng;
d) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng - 15.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 30.000.000 đồng - dưới 50.000.000 đồng;
đ) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng - 20.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 50.000.000 đồng - dưới 70.000.000 đồng;
e) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng - 25.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 70.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
g) Phạt tiền từ 25.000.000 đồng - 30.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên;
h) Phạt tiền gấp 2 lần mức tiền phạt quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e và g khoản này trong trường hợp hàng hóa vi phạm là: lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thực phẩm chức năng.
Triệu Thành