Vũ khí nhập khẩu

Để giành được chiến thăng trong gói thầu này, tên lửa chống hạm NSM đã chiến thằng trước dòng tên lửa huyền thoại Harpoon hiện có trong Hải quân Mỹ. Theo những thông tin được công khai, dù là tên lửa do Na Uy sản xuất nhưng NSM thuộc dự án có sự tham gia của nhà thầu quốc phòng Mỹ là Raytheon.

Để Hải quân Mỹ chính thức ký hợp đồng, tàu tuần duyên thuộc chương trình Littoral đã tiến hành nhiều cuộc thử nghiệm thành công với NSM. Trong cuộc thử nghiệm vừa qua, tàu USS Coronado đã bắn thử 1 quả tên lửa NSM tại căn cứ hải quân Point Mugu, bang California.

 

 Siêu hạm Mỹ chính thức dựa vào tên lửa ngoại - Hình 1

Chiến hạm LCS của Mỹ

Rất nhanh chóng, quả tên lửa đã tấn công chính xác và diệt thành công mục tiêu giả định. Nhà sản xuất Kongsberg tiết lộ, tên lửa NSM đủ sức mạnh và linh hoạt để đánh bại "hệ thống phòng thủ cuối cùng" trên tàu chiến đối phương.

"Một trong số các tính năng nổi bật của tên lửa này là khả năng tránh hệ các thống phòng thủ ở giai đoạn cuối nhờ trang bị radar dò thụ động, các công nghệ tàng hình và khả năng cơ động. Đặc biệt, nó được thiết kế để chuyên tấn công các mục tiêu được bảo vệ nghiêm ngặt", đại diện nhà sản xuất cho biết.

Hệ thống Vũ khí Phòng thủ Tầm gần (CIWS) của đối phương là lớp hỏa lực bảo vệ cuối cùng, có thể khai hỏa hàng nghìn viên đạn trong thời gian cực ngắn để đánh chặn, làm chệch hướng hoặc phá hủy tên lửa đang bay tới.

Tuy nhiên, tên lửa NSM được thiết kế để đánh bại các vũ khí phòng thủ CIWS nhờ khả năng cơ động nhanh giúp nó tránh bị đánh chặn và tiếp tục tấn công mục tiêu.

Gary Holst, giám đốc cao cấp phụ trách Tác chiến Mặt biển của công ty Kongsberg nói: "Nó được thiết kế để đối phó các hệ thống CIWS tối tân. Tên lửa NSM là một vũ khí có tốc độ hành trình cận âm có khả năng bay vòng chuyển hướng. Khi chuyển hướng, đầu dò ảnh hồng ngoại của nó vẫn được duy trì nằm ngang ổn định và bám bắt mục tiêu".

Với việc được trang bị NSM, tàu tuần duyên thuộc Littoral sẽ sở hữu sức mạnh có thể khiến bất cứ đối thủ nào cũng phải khiếp sợ.

Cụ thể, ngoài NSM, tàu được trang bị súng máy Mk 110 cỡ nòng 57 mm của BAE System; 4 súng máy caliber 50 (bố trí 2 trước, 2 sau); bệ phóng tên lửa Evolved SeaRam 11. Súng Mk 110 cỡ nòng 57 mm dựa trên pháo dành cho Hải quân 57mm Mk3 do Thụy Điển sản xuất.

Thoát kiếp thành đống rác?

Trước khi Hải quân Mỹ chính thức mua NSM trang bị cho tàu thuộc chương trình Littoral Combat Ship (LCS), tờ Task & Purpose đã đầy chế nhạo khi gọi loại tàu tối tân này là những đống rác trên biển.

Theo nguồn tin này, sau khi lãng phí mất 16 năm và hàng tỷ USD, Hải quân Mỹ cuối cùng cũng đã buộc phải thừa nhận rằng, chương trình chế tạo tàu tác chiến ven bờ LCS dường như đã biến thành một "thất bại tuyệt đối".

Task & Purpose cho biết, các tàu mới này hoàn toàn không phù hợp với các hoạt động quân sự, khi chúng dễ dàng bị các chiến hạm nhỏ hơn của các quốc gia thường thường bậc trung đánh đắm. Do đó, các tàu này mà chỉ đơn thuần là tuần tiễu và chống… buôn lậu, chống cướp biển.

Tàu tuấn duyên LCS được Hải quân Mỹ phát triển nhằm phục vụ nhu cầu thực hiện nhiệm vụ tại các vùng nước nông ven biển, ngăn chặn đối phương tiếp cận bờ biển. Chiếc đầu tiên được biên chế vào lực lượng Hải quân Mỹ vào ngày 8/11/2008 là USS Freedom (LCS-1).

Theo quy định của hải quân Mỹ, các chiến hạm lớp Freedom được quy định đánh số lẻ (LCS-1, LCS-3, LCS-5…), còn tác tàu tác chiến ven bờ lớp Independence được đánh số chẵn (LCS-2, LCS-4, LCS-6…).

Sau khi các khinh hạm 4.000 tấn lớp Oliver Hazard Perry được cho nghỉ hưu toàn bộ, Hải quân Hoa Kỳ vẫn đang loay hoay trong việc tìm ra một lớp tàu chiến mới để hỗ trợ tàu khu trục Arleigh Burke và tàu tuần dương Ticonderoga trong biên đội tác chiến hỗn hợp.

Họ từng kỳ vọng rằng tàu chiến ven bờ LCS sẽ có thể đảm nhiệm vai trò trên, tuy nhiên do được thiết kế với mục đích khác đó là len lỏi vào sát bờ biển của đối phương tung đòn tập kích nên LCS tỏ ra không phù hợp khi triển khai ngoài đại dương, trong khi cũng chẳng có vũ khí nào hiệu dụng để tấn công vào bờ biển đối phương.

Khái niệm tàu LCS của Mỹ không bó hẹp trong phạm vi "bờ biển nước Mỹ" mà là "bờ biển thế giới". Do đó, mặc dù tàu tác chiến ven biển được Mỹ xếp vào loại loại tàu có kích thước tương đối nhỏ, nhưng nhỏ là so với Mỹ chứ chúng đã được xếp vào hàng chiến hạm tầm trung của các nước khác.

Chính vì vậy, việc Mỹ quyết tâm trang bị NSM cho LCS sau hàng loạt thử nghiệm không hề dễ dàng là quyết định hoàn toàn dễ hiểu.

Theo Đất Việt