Hệ thống siêu thị Vilco Mart24h thuộc quyền sở hữu của CÔNG TY CỔ PHẦN TẬP ĐOÀN ĐẦU TƯ KẾT NỐI YÊU THƯƠNG VIỆT NAM, là một trong những thương hiệu lớn với quy mô 11 cơ sở nằm trên địa bàn các tỉnh Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Thanh Hoá, Nghệ An, Huế, Đà Nẵng và Bắc Ninh. Được biết, Vilco Mart24h chi nhánh tại tỉnh Bắc Ninh khai trương vào ngày 30/07/2022.
Trên Webste http://vilcomart24h.com/gioi-thieu/ giới thiệu, mục tiêu đến 2022 là mở từ 100-300 siêu thị Vilco Mart 24h và đến năm 2025 mở được 3,000-5,000 siêu thị mini kết nối yêu thương Vilco Mart 24h chuyển đổi mô hình từ tạp hóa và một số ngành nghề kinh doanh truyền thống chuyển qua, dự kiến có được thị phần bán lẻ từ 30-80% thị trường trước khi IPO lên sàn chứng khoán vào năm 2025. “Vilco Mart24h mong muốn sản xuất và cung cấp các dịch vụ đạt tiêu chuẩn, đem đến cho những khách hàng các sản phẩm và dịch vụ chất lượng tốt nhất, cải thiện góp phần thay đổi chất lượng sản phẩm và dịch vụ tại thị trường Việt Nam nói riêng và quốc tế nói chung. Để sánh ngang với các nước trong khu vực cũng như trên thế giới, theo đánh giá của tổ chức quốc tế WTO và quỹ tiền tệ IMF, tương lai 5 năm đến 10 năm tới Việt Nam sẽ trung tâm kinh tế của khu vực, Châu Á và thế giới”.
Phóng viên "mục sở thị" tại siêu thị Vilco Mart24h ở Bắc Ninh thì thấy bày bán nhiều sản phẩm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, sản phẩm không có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt...
Người tiêu dùng phản ánh đến Thương hiệu & Công luận về việc nhiều sản phẩm, thực phẩm trong siêu thị Vilco Mart24h có địa chỉ Mặt đường 277 - Khu phố Tiến Bào, phường Phù Khê, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh bày bán nhiều thực phẩm đông lạnh, đồ ăn, mỹ phẩm… không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có tem nhãn phụ tiếng Việt, sản phẩm không rõ ràng về hạn sử dụng...
Để xác minh thông tin phản ánh, phóng viên Thương hiệu & Công luận đã đến siêu thị siêu thị Vilco Mart24h cơ sở tỉnh Bắc Ninh để "mục sở thị" và thấy đúng như những gì người tiêu dùng phản ánh.
Nhiều sản phẩm trắng thông tin…
Ngày 10/08/2022, phóng viên Thương hiệu & Công luận đã đi mua hàng và ghi nhận thực tế siêu thị Vilco Mart24h tại mặt đường 277 – Khu phố Tiến Bào, phường Phù Khê, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Theo quan sát của phóng viên, song song với các gian hàng thực phẩm đông lạnh, bánh kẹo, nước uống, mỹ phẩm, đồ dùng gia đình… tại đây còn bày bán nhiều sản phẩm tiếng nước ngoài, không tem nhãn phụ tiếng Việt.
Tại khu vực bày bán thực phẩm đông lạnh, rất nhiều mặt hàng như: Cá khô, tôm khô, cá viên, nem chua… không có tem nhãn thể hiện nơi cung cấp sản phẩm, tên sản phẩm, trọng lượng, giá tiền, ngày đóng gói, ngày hết hạn sử dụng.
Thắc mắc, trên các sản phẩm không có tem nhãn, thì nhân viên bán hàng của siêu thị nói: “Thực ra sản phẩm của Tập đoàn nhưng người ta chưa in được mã”.
Cầm sản phẩm nem chua trên tay, phóng viên hỏi nhân viên bán hàng, sản phẩm từ khi nào, sao không có ngày đóng gói và hạn sử dụng thì nhân viên bán hàng trả lời: “Nem này mới từ tuần trước, bên em bán hàng đảm bảo, anh chị yên tâm…”.
Việc không ghi thông tin của sản phẩm rất dễ gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng, rất khó cho người tiêu dùng khi lựa chọn sản phẩm và sử dụng sản phẩm.
… Đến hàng hoá không tem nhãn phụ
Tiếp tục ghi nhận, tại khu vực bày bán đồ ăn, đồ uống, mỹ phẩm… phóng viên Thương hiệu & Công luận còn thấy có những sản phẩm 100% chữ nước ngoài (bao gồm tiếng Anh, tiếng Hàn Quốc,..) nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt: Thông tin của sản phẩm, không có đơn vị nhập khẩu và phân phối như: Sản phẩm Nước Đông Trùng Hạ Thảo, Ngũ Cốc Trái Cây Calbee, Miến Khoai Lang Miến Hoàng Đế Organic Cao Cấp Hàn Quốc, Tinh Dầu Hoa Anh Thảo Blackmores, Sữa rửa mặt, Sữa tắm Hatomugi, Bỉm…
Với những sản phẩm này, khách hàng, người tiêu dùng chỉ có thể phân biệt sản phẩm thông qua hình ảnh in trên phần bao bì. Người tiêu dùng cũng rất lúng túng với những sản phẩm ngoại nhập bắt mắt, nhưng không hề có bất kỳ một dòng chữ thể hiện tên sản phẩm và những thông tin cần thiết liên quan đến sản phẩm theo đúng quy định của pháp luật.
Quy định về hàng hoá, tem nhãn
Nghị quyết số 41/NQ-CP, ngày 09/06/2015 về việc đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lận, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới.
Theo quy định của pháp luật, sản phẩm bày bán phải có nhãn hàng hóa. Nhãn hàng hoá bao gồm hai loại là nhãn gốc và nhãn phụ. Nhãn gốc: Đây là nhãn được thể hiện lần đầu được gắn trên bao bì, hàng hóa do các cá nhân, tổ chức sản xuất hàng hóa tự gắn lên đó (được quy định tại khoản 3, Điều 3, Nghị định 43/2017/NĐ-CP).
Nhãn phụ cũng tương tự như nhãn gốc được gắn lên trên hàng hóa hoặc bao bì thương phẩm nhưng ngôn ngữ sử dụng phải là tiếng Việt, trên đó nêu rõ những nội dung bắt buộc trên nhãn gốc luật định các cá nhân, tổ chức phải dịch từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt hoặc là những nội dung mà nhãn gốc còn thiếu theo quy định của pháp luật Việt Nam cần phải bổ sung (được quy định tại khoản 4, Điều 3, Nghị định 43/2017/NĐ-CP).
Theo Nghị định số 43/2017/NĐ-CP và Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định về thông tin in trên nhãn phụ và quy định về tem nhãn hàng hóa nhập khẩu, quy định về xử phạt hành vi vi phạm trong buôn bán hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng trôi nổi, hàng có dấu hiệu làm nhái, làm giả có thể phạt tiền đến 200 triệu đồng tùy vào mức độ vi phạm đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh.
Cùng với đó, tại Điều 10, Nghị định số 43/2017/NĐ-CP quy định nhãn hàng hóa bắt buộc phải thể hiện các nội dung về tên hàng hóa; tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa và xuất xứ hàng hóa. Trường hợp không thể thể hiện tất cả nội dung bắt buộc trên nhãn thì các nội dung: Tên hàng hóa; Tên tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; Định lượng; Ngày sản xuất; Hạn sử dụng; Xuất xứ hàng hóa... phải được ghi trên nhãn. Những nội dung bắt buộc khác phải được ghi trong tài liệu kèm theo và trên nhãn hàng hóa phải chỉ ra nơi ghi các nội dung đó.
Người tiêu dùng đề nghị cơ quan chức năng kiểm tra và xử lý
Để thông tin được khách quan, phóng viên Thương hiệu & Công luận đã liên hệ qua điện thoại với Quản lý siêu thị Vilco Mart24h cơ sở Bắc Ninh để đặt lịch làm việc làm rõ vấn đề nêu trên. Qua điện thoại, chị Nguyễn Thị Mai Anh - quản lý siêu thị Vilco Mart24h trả lời: “Thế thì anh cho người đến kiểm tra, vì cái này là cửa hàng là của anh Công an trên tỉnh, anh ý sẽ gặp trực tiếp để nói chuyện”.
Chị Mai Anh cũng cho phóng viên tên và số điện thoại của "anh Công an trên tỉnh", qua xác minh, chúng tôi được biết, tên và số điện thoại chị Mai Anh cho phóng viên đúng là của anh Công an trên tỉnh thật, nhưng anh đó hiện nay đã nghỉ việc, không làm trong ngành Công an nữa.
Đề nghị Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Ninh tiến hành kiểm tra, xử lý. Đề nghị Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Kết nối yêu thương Việt Nam (Vilco Group), Chủ tịch HĐQT Công ty siêu thị kết nối yêu thương (VilcoMart24h) và Tổng Giám đốc Công ty VilcoMart24h tiến hành kiểm tra để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Thương hiệu & Công luận sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.
LT. QN